Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Sáp nhập Ban Quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng

Thực hiện Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 28/8/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng.

Ngày 31 tháng 8 năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc sáp nhập Ban quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng dưới sự chứng kiến của đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, các sở, ban, ngành, lãnh đạo Sở VHTT&DL cùng toàn thể cán bộ viên chức các đơn vị được sáp nhập.

Tin sat nhap BQL Cat tien vao Bao tang Lam Dong 2018

Đồng chí Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH,TTDl trao quyết định sáp nhập BQL di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng

Quyết định nêu rõ: Sáp nhập Ban quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2018. Vị trí, chức năng của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay được điều chỉnh theo hướng nhập thêm chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý di tích Cát Tiên: “Bảo tàng Lâm Đồng là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở VH,TT&DL; có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thề, giáo dục truyền thống và các hoạt động dịch vụ, trực tiếp quản lý và phát huy giá trị di tích Khảo cổ Cát Tiên và di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt”. Cũng theo đó, các phòng chức năng của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay được sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Từ 6 phòng chức năng của hai đơn vị, sau khi sáp nhập giảm xuống còn 4 phòng: Hành chính - Tổ chức; Sưu tầm, Quản lý hiện vật; Trưng bày, Tuyên truyền; Nghiệp vụ di tích.

Triển khai sáp nhập với chức năng, nhiệm vụ mới vừa là vinh dự vừa là trọng trách đối với toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Lâm Đồng. Di tích khảo cổ Cát Tiên là một quần thể di tích có quy mô lớn, không gian rộng, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp. Công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị sẽ có nhiều khó khăn, thách thức với khoảng cách từ Đà Lạt tới di tích Cát Tiên gần 200km. Tuy được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2014, nhà nước và địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều dự án, hạng mục công trình nhằm phát huy giá trị di tích, nhưng thực tế di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Để quản lý và phát huy có hiệu quả giá trị của di tích Cát Tiên, trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ đầu tư nghiên cứu và triển khai các phương án khả thi nhất. Song thiết nghĩ để bảo tồn và phát huy tốt giá trị di tích khảo cổ Cát Tiên, bên cạnh nỗ lực của Bảo tàng Lâm Đồng, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị, đoàn thể.

Hi vọng trong tương lai không xa, di tích Cát Tiên sẽ “lột xác”, trở thành một điểm đến hấp dẫn, nơi trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn là điểm nhấn quan trọng thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Xuân Dũng