Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Độc đáo các bức trấn phong trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng

Trong văn hóa Việt Nam, trấn phong (bình phong) là vật rất quan trọng đối với các công trình kiến trúc. Trấn phong được xem như vật che chắn những luồng gió độc hay tà khí xâm nhập và mang may mắn đến với chủ nhân. Trấn phong còn được coi như vật trang trí, là điểm nhấn nghệ thuật đặc biệt cho các không gian nội, ngoại thất. Trong một số trường hợp, trấn phong còn được dùng với ý nghĩa chúc tụng, ca ngợi vị thế của chủ nhân. Khi đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những bức trấn phong rất độc đáo trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn trưng bày tại đây.

doc dao cac buc tran phong 1

Trấn phong chế tác từ đá ngọc, trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn

Trấn phong có thể được dùng để che chắn cung điện, các quần thể kiến trúc lớn, các ngôi nhà, lăng tẩm hay trong các đình, chùa. Trong đời sống văn hóa Huế, trấn phong được sử dụng rộng rãi, nhất là trong những công trình kiến trúc cung đình và tôn giáo, vừa tôn vẻ đẹp cho diện mạo công trình vừa có vai trò phong thủy. Trấn phong có thể là các bức tường, hòn non bộ hay tận dụng địa thế của tự nhiên như gò cao, đồi núi… Còn trong các không gian nhỏ hơn như phòng khách, trấn phong có thể được làm bằng đá, gỗ hay kim loại.

Các hiện vật trấn phong trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng là những vật trang trí trong thư phòng và chúc tụng vua nhân dịp đại lễ. Chúng là loại trấn phong nhỏ, được chế tác từ đá ngọc, gỗ (kết hợp ngọc) và bạc. Trong đó, có bức trấn phong được chế tác bằng ngọc có màu sắc không đồng nhất. Màu chủ đạo là trắng đục, vân xanh ngọc và vàng nâu với hai phần rời nhau là thân và chân đế. Phần thân chế tác dạng phiến mỏng hình chữ nhật, được chạm khắc tỉ mỉ trên cả hai mặt. Một mặt khắc hình một con chim công lớn đang đứng, phía trên và dưới có hai con chim nhỏ, xen lẫn là hoa lá cách điệu. Một mặt chạm khắc nổi hình hoa lá cách điệu. Phần chân đế hình oval, chế tác từ loại đá ngọc có cùng chất với phần thân. Mặt trước khắc hình hươu, ông lão vả chữ thọ tròn. Mặt sau khắc chữ “Ngộ sào sơn nhược ngự thái hiền”. Thân đế được gắn khớp với chân đế bằng một rãnh hẹp được đục lõm tạo thành một khối thống nhất.

doc dao cac buc tran phong 2
Mặt trước và mặt sau của bức trấn phong chế tác từ đá ngọc, trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn

Có bức trấn phong được chế tác bằng gỗ kết hợp với ngọc, đặt trên giá đỡ bằng gỗ có 4 chân. Trấn phong có bề mặt hình vuông, chạm thủng hoa văn dây leo. Chính giữa được gắn phiến ngọc hình chữ nhật cắt góc màu trắng đục, chạm thủng đồ án trang trí hình 4 con dơi, khánh ngọc, bình ngọc, hai chữ nguyệt xem giữa chữ thọ và hồi văn. Đây là một trong những bức trấn phong dùng chúc thọ cho vua hoặc người trong hoàng tộc nhân dịp đại lễ.

doc dao cac buc tran phong 3
Trấn phong chế tác từ gỗ kết hợp với ngọc, được chạm khắc tỉ mỉ và tinh xảo

Đặc biệt là bức trấn phong được chế tác bằng bạc dát mỏng, hình tấm bia, hai bên tạo trụ nổi, chạm nổi hoa văn rồng mây, trên đỉnh trụ bên phải là hình chuôi kiếm (tượng trưng cho sức mạnh), bên trái là cây bút (tượng trưng cho trí tuệ). Trên đỉnh trấn phong hình cánh cung dập nổi lưỡng long chầu nhật (hai rồng đối xứng). Biểu tượng mặt trời hình tròn, màu đỏ. Mặt trước trấn phong hình chữ nhật đứng, nền hoa văn gấm chữ “vạn”, viền quanh hồi văn chữ T. Trên mặt trấn phong có 5 dòng chữ Hán nổi, chính giữa là dòng đại tự bằng bạc bọc vàng “Vạn thọ tứ tuần đại khánh”. Phía dưới trấn phong tạo hình khánh, dập nổi đầu rồng chính diện, chân đế tạo hình khối chữ nhật có 3 cấp.

doc dao cac buc tran phong 4
Trấn phong bạc “Vạn thọ tứ tuần đại khánh”

Bức trấn phong này của Bộ Công chúc thọ vua Bảo Đại nhân dịp sinh nhật lần thứ 40. Đây là một trong số ít hiện vật có thể xác định được niên đại tuyệt đối thông qua dòng lạc khoản ghi trên bề mặt (ngày 23/9 năm Nhâm Thìn, tức ngày 10/11/1952) và là một trong những hiện vật được chế tác khá muộn, thời điểm chế tác trùng với thời điểm vua Bảo Đại ở Đà Lạt dưới chế độ “Hoàng triều cương thổ”. Bức trấn phong này không cùng nhóm các hiện vật được mang từ kinh thành Huế vào Đà Lạt trước đó và từng được trưng bày tại một phòng lớn trong Dinh III - Đà Lạt, từ năm 1950 đến năm 1955.

Trấn phong (bình phong) là vật rất quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt, mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Các bức trấn phong tại Bảo tàng Lâm Đồng là những hiện vật quý giá, không chỉ thể hiện một phần đời sống vật chất và tinh thần hoàng cung triều Nguyễn mà còn thể hiện quan niệm và triết lý sống của người Việt xưa. Đồng thời, cũng thể hiện trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao của thợ thủ công trong các “Ngự xưởng” triều Nguyễn. Việc Bảo tàng Lâm Đồng trưng bày và giới thiệu rộng rãi sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn, trong đó có các bức trấn phong giúp công chúng tiếp cận gần hơn với di sản văn hóa triều Nguyễn. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng, cũng như giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Phạm Thị Ngát

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Mai Anh (2014), Đôi nét về bình phong ngoại án thời Nguyễn ở Huế.
2. Báo Công an nhân dân Online (2020), Bức bình phong trong đời sống tinh thần người Việt.
3. Bảo tàng Lâm Đồng (2019), Báu vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng.
4. Tạp chí Sông Hương Online (2013), Bình phong và non bộ trong kiến trúc cung đình Huế.
5. Trang thông tin điện tử Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế (2021), Bình phong trong kiến trúc truyền thống.
6. Website Thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng