Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Vai trò của Chóe trong đời sống người Cơho tỉnh Lâm Đồng

IMG 7266

Đối với người Cơho ở Lâm Đồng, ngoài nhạc cụ cồng chiêng thì chóe đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ. Chóe không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình mà còn là thước đo về sự giàu có, là sính lễ trong cưới hỏi, là vật dụng dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là tài sản chia cho người chết khi họ về thế giới bên kia…

Chóe là gì?

Chóe là tên gọi một trong những vật dụng được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men. Chóe thường có kiểu dáng như miệng chóe đứng, thân chóe phình và thon dần về đáy.

Người Cơho ở tỉnh Lâm Đồng cũng như đồng bào Tây Nguyên không tự sản xuất được chóe mà chủ yếu do trao đổi mà có được. Những loại chóe có giá trị, hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt chủ yếu có xuất xứ từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và các dân tộc phụ cận như Chăm, Khơme… được các thương nhân người Chăm đưa lên vùng này qua đường bộ.

Các loại chóe thường gặp ở vùng đồng bào Cơho tỉnh Lâm Đồng phổ biến là hai loại: chóe lớn và chóe nhỏ. Chóe lớn thường có 4 tai, 6 tai hoặc 8 tai, hoa văn cầu kỳ. Choé nhỏ chủ yếu màu da lươn, màu nâu đất, ít họa tiết và thường không có tai.

Những người già Cơho cho biết kinh nghiệm để phân biệt giá trị của chóe là dựa trên màu sắc và số tai trên thân chóe. Những chiếc chóe có giá trị thường được đổi bằng một con trâu hoặc ba con bò, hay những sản vật từ rừng như đầu min, da báo…

Vai trò của chóe

Chóe với người Cơho là một trong những tài sản quý của gia đình. Thường các loại chóe có tên gọi và giá trị sử dụng khác nhau. Chóe lớn được gọi là Giàng, chóe trung thì gọi là Jro, chóe nhỏ gọi là Gri.

Chóe lớn được sử dụng đựng rượu cần trong các dịp cúng tế thần linh của dân làng, bộ tộc. Trong các lễ hội như: ăn trâu mừng lúa mới, lễ mừng buôn làng chiến thắng kẻ thù, lễ mừng buôn làng thoát khỏi trận đại dịch, hay trong những dịp cưới hỏi, ma chay, chóe thường được đặt dưới gốc cây nêu. Khi tế lễ tạ ơn thần linh, người chủ lễ thường dùng tiết con vật tế thần bôi lên miệng chóe, sau đó bôi lên trán của những người tham dự để cầu mong sự may mắn.

Chóe trung, chóe nhỏ được dùng để đựng nước, đựng hạt giống hoặc dùng để cất giữ những của cải quý giá trong gia đình.

Với người Cơho, chóe không chỉ được xem là tài sản, là thước đo sự giàu có mà còn là sính lễ trong cưới hỏi và vật tùy táng cho người chết. Người Cơho theo chế độ mẫu hệ, cha mẹ thường chia của cho các con gái, đặc biệt là cho người con gái út - người sẽ nuôi dưỡng cha mẹ lúc về già. Trong đám cưới, sính lễ ngoài thổ cẩm, vòng cườm, vòng đồng, thì không thể thiếu chóe. Trong tang ma, chóe là một trong những đồ tùy táng. Cùng với những vật dụng sinh hoạt khác như: tô, chén, bát, âu, lọ…, chóe cũng được “mang theo” cùng người chết. Cùng với chóe, tất cả những đồ vật tùy táng đều bị đập vỡ.

Ngày nay chóe không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và trao đổi hàng hóa như trước. Nhưng đối với người Cơho, chóe vẫn chiếm vị trí quan trọng trong gia đình và trong tâm thức của họ. Trong những ngôi nhà sàn hiện đại, chóe vẫn được trưng bày bên cạnh cây nêu, chóe vẫn sử dụng đựng rượu cần trong các dịp lễ hội của buôn làng, dòng tộc và vẫn được dùng để chia cho các thành viên trong gia đình.

Lê Hiền