Để hiểu được thông điệp từ những hình trang trí này từ các di tích lịch sử, trước khi xuất trình những hiểu biết về những bộ sưu tập ở Cát Tiên, chúng tôi muốn giới thiệu sơ lược về những thần tích Hindu giáo (Ấn Độ giáo) nhằm giúp cho mọi người hiểu khái quát về ý thức tâm linh gửi gắm trên các hình vẽ, về kỹ thuật chế tác kim loại của những chủ nhân khu thánh địa quan trọng trên vùng đất phương Nam.
Kết quả khai quật khảo cổ học trong những năm 1995-1996 đã cho thấy khu di tích Cát Tiên là khu tôn giáo ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các hình trang trí trên các lá vàng tìm được ở Cát Tiên thấm đậm nội dung ấn giáo. Bộ sưu tập tại Gò số I có 47 hiện vật điêu khắc được trang trí hình ảnh các vị thần, các vật tượng trưng. Bộ sưu tập ở Gò IIA có trên 60 hiện vật trang trí hình ảnh khác nhau theo nội dung ấn Độ giáo…
Giải mã những hình ảnh điêu khắc đó, trước hết dựa vào thần tích, sử thi Hindu giáo cùng sự biến đổi ý thức thẩm mỹ, ý thức tôn giáo theo mỗi thời gian của thời đại lịch sử tạo ra tác phẩm.
Trong tôn giáo và triết học ấn Độ, người ta cho rằng trong vũ trụ có tới 33.333 vị thần, trong đó thần Brahma được coi là đấng tối cao bất diệt, thần Siva, Visnu là những vị thần lớn hợp với Brahma thành hệ thống Tam thần hay Tam vị nhất thể – tam vị nhất linh. Trong quá trình Hindu giáo truyền bá ra các nước Viễn Đông, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi địa phương mà việc thờ cúng ba vị thần có khác nhau. Ví dụ ở Campuchia trước thờ chính là Brahma, sau thờ chính là Visnu; ở Champa trước thờ chính là Brahma sau là Siva.
Do điều kiện lịch sử, ấn Độ giáo ảnh hưởng ở nước ta chủ yếu từ nam đèo Ngang trở vào – địa bàn các tỉnh miền Trung, Đông, Nam Bộ. Trên địa bàn phía Bắc, dấu chân các nhà truyền giáo đã có mặt ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Luy Lâu (Bắc Ninh) nhưng không hội nhập phát triển được.
Như vậy, Hindu giáo chỉ thấm đậm trong văn hóa Champa, văn hóa óc Eo và di tích Cát Tiên nằm trong hệ thống truyền thống của văn hóa óc Eo thời gian muộn. Những biểu tượng điêu khắc ở Cát Tiên là biểu tượng Hindu giáo. Như vậy để hiểu những điêu khắc trang trí này trước hết phải đề cập đến các vị thần.
I. THẦN BRAHMA
Theo thần thoại ấn Độ, thần Brahma là thần sáng tạo ra mọi vật trong thế gian. Theo triết học, Brahma được hiểu như linh hồn vũ trụ. Linh hồn vũ trụ được biểu hiện, hình tượng hóa bằng thần sáng tạo.
Thần Brahma thường được thể hiện dưới hình thức vị thần có màu da đỏ, có 4 mặt, bốn cánh tay cầm các vật tượng trưng như quyển sách (Kinh Veda), cây trượng (?) hoặc cái thìa, cây cung và bình đựng nước. Có khi Brahma thể hiện 4 mặt, đội mũ miện, đeo tràng hạt, ngồi trên tòa sen. Hình điêu khắc tìm được ở Gò I có lẽ thể hiện vị thần này.
II. THẦN VISNU
Theo thần thoại, thần Visnu là thần bảo vệ, thường được thể hiện giữa thần Brahma (sáng tạo) và thần Siva (hủy diệt). Thần Visnu thể hiện chức năng che chở bảo vệ, cứu giúp mọi người, tế độ chúng sinh. Với chức năng đó, thần Visnu đã hóa thân 10 lần: 2 lần hóa thành người, 8 lần hóa thành động vật.
Hình ảnh thần Visnu có rất nhiều cách thể hiện:
Thần Visnu hình người nằm trên rắn Seca nhiều đầu. Từ rốn một bông sen mọc lên. Thần Visnu có 4 tay, thể hiện đứng, đầu đội mũ dát ngọc, tay cầm các vật quý như cái tù, vỏ ốc, đĩa tròn, có khi là đóa sen hoặc cây cung. Thần Visnu cưỡi chim Garuđa.
Những lần thần Visnu hóa thân đều gắn với các thần tích.
Visnu hóa cá cứu chúng sinh khỏi nạn hồng thủy.
Visnu hóa lợn rừng cứu vớt trái đất khỏi ác quỷ.
Visnu hóa sư tử giết tên vua vô đạo cứu chúng sinh.
Visnu hóa rùa tham gia vớt thuốc trường sinh trong cuộc quấy biển sữa.
Visnu hóa người sư tử (Narasmiha) giết quỷ Harauya Kasipu.
Visnu hóa thân thành nửa người nửa ngựa (Kalkui) làm quan tòa xét xử việc trong thế gian.
Thần Visnu còn nhiều lần hóa thành người mỗi khi hạ giới gặp nguy biến để cứu giúp loài người.
Visnu hóa thân Vamana (người lùn) giết quỷ Bali.
Visnu hóa chiến binh Rama cầm rìu (Parasurama) để giải phóng mọi người dưới ách chuyên quyền của tầng lớp võ sĩ (Kshatriya).
Visnu hóa thành hoàng tử Kama dự lễ kén chồng của công chúa Sita. Trong tay cầm cây cung đi dự lễ.
Visnu hóa thân thành Krisna nhân vật anh hùng giết chết vua độc ác Kamsa rồi lên làm vua Mathura.
Điều có vẻ phi lý là Visnu còn hóa thân thành Phật Thích ca (Buddha) với lòng thương yêu loài người, cứu vớt chúng sinh.
III. THẦN SIVA
Thần Siva thường được nhiều người hiểu rằng đó là thần thể hiện sức mạnh hủy diệt mà ít nghĩ đến sự biện chứng hủy diệt để sáng tạo, bảo tồn.
Thần Siva thường được thể hiện là vị thần có 3 con mắt, một con mắt giữa trán, đầu gài mảnh trăng lưỡi liềm sau búi tóc, cổ đeo tràng hoa kết bằng sọ người hay con rắn. Lưng khoác tấm da hổ hay da voi. Tay có thể thể hiện 4 cánh tay, 8 cánh tay, 16 cánh tay cầm các vật như tấm da hươu, bắt con linh dương, cầm đinh ba, trống, gậy hoặc chùy. Mỗi vật tượng trưng cầm tay thể hiện một chiến tích của thần Siva:
– Con mắt thứ 3 ở trán dùng để thiêu cháy thần Kama.
– Đinh ba dùng đâm chết hổ khi các thần sai hổ đến hại Siva.
Thần Siva rất nổi tiếng với điệu nhảy Nataraja mà một lá vàng ở Gò IA đã khắc tạc thể hiện. Đặc biệt thần Siva được thể hiện phi nhân tính dưới hình thức Linga.
Ba vị thần chính (Tam vị nhất linh) thường là đề tài chủ yếu trong tác phẩm điêu khắc. Ngoài những tác phẩm thể hiện riêng, mỗi vị thần có những biểu tượng thể hiện kết hợp cả 3 vị thần làm một (Tam vị nhất linh). Đó là hình ảnh tượng trưng của Brahma – Visnu – Siva dưới hình thức chiếc Linga. Linga chia làm 3 phần: phần dưới hình vuông (Brahma), phần giữa hình bát giác (Visnu), phần trên hình trục tròn (Siva). Hình tượng này phản ánh nội dung cuộc thi của 3 vị thần theo thần thoại ấn giáo.
Ba vị thần chính của ấn giáo chi phối cơ bản nội dung những tác phẩm điêu khắc tìm được ở ấn Độ và những nước ảnh hưởng của văn hóa ấn. Riêng trên địa bàn lãnh thổ nước ta, ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn (Trung Bộ – Nam Bộ) những hình ảnh này đã thể hiện rõ vai trò của mỗi vị thần trên mỗi vùng đất khác nhau. Vùng đất miền Trung (văn hóa Champa) yếu tố Siva giáo được chú trọng hơn. ở Đông Nam Bộ – Nam Bộ (văn hóa óc Eo) yếu tố Visnu chiếm phần chủ đạo.
Bên cạnh 3 vị thần tối linh đã nêu, hệ thống thần Hindu giáo còn khá nhiều. Có thể kể ra hình ảnh một số vị thần xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc ở nước ta trong đó có các hiện vật tìm được ở Cát Tiên:
Thần Indra (Thần sấm sét) thường cưỡi voi, tay cầm đinh ba. Hiện vật này có ở Cát Tiên.
Thần Syrya (Thần ánh sáng) thường cưỡi ngựa đang chạy thể hiện sự lướt đổi của thời gian.
Thần Skanda (Thần chiến tranh) – con của Siva – thường cưỡi công.
Thần Harihara là sự tái hợp của thần Visnu và Siva.
Các hình ảnh nữ thần Uma, Indrani, Sati, Sagravatti, Bargravatti … là hình ảnh các thiên tiên vũ nữ.
Các vật linh như voi của thần Indra, ngỗng (Hamsa) của Brahma, bò (Nandin) của Siva, công của Skanda, ngựa của Syrya. Thần Ganesa (đầu voi mình người) mặt quỷ Kala, thủy quái Makala, rắn thần Seca v.v… Mỗi vị thần, mỗi vật linh đều gắn với sự tích thần thoại hay sử thi của mỗi thời đại. Việc thể hiện các chủ đề nội dung tôn giáo gắn chặt với nhận thức thẩm mỹ, quan niệm ý tưởng thể hiện xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương, tạo ra nét đặc thù riêng, mặc dù có cùng nội dung. Chính vì thế ảnh hưởng chung của văn hóa Ấn Độ đã tạo nên phong cách nghệ thuật riêng của mỗi thời đại, mỗi vùng trong khu vực.
Bên cạnh những tác phẩm thể hiện nội dung tôn giáo, không ít những tác phẩm thể hiện những hình ảnh liên quan, đó là hình ảnh các tu sĩ, các tín đồ Bà la môn giáo, các vũ nữ v.v…
Sự đa dạng của các thần Hindu giáo cùng những hình ảnh đề tài liên quan đã tạo nên tổng thể các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được thể hiện khác nhau qua các thời đại. Việc làm sáng tỏ nội dung tư tưởng chủ đề các tác phẩm, tính thời đại của các hiện vật được phát hiện là cần thiết. Với gần 100 hiện vật có hình ảnh điêu khắc trên các lá kim loại màu vàng tìm được ở Cát Tiên, có thể nói đây là bộ sưu tập được thể hiện đẹp nhất và phong phú nhất về số lượng trong một di tích. Việc giải mã các hình ảnh điêu khắc ở Cát Tiên để tìm ra chủ nhân, niên đại của khu thánh địa quan trọng này sẽ góp phần phục dựng tiến trình phát triển lịch sử của vùng đất phương Nam.
PTS. LÊ ĐÌNH PHỤNG
Viện khảo cổ học