Chiếm một vùng gần 50ha. Vào mùa mưa, nước sông Đồng Nai dâng lên, tràn ngập bồn địa, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ, trữ tình. Một bồn địa mở tạo nên sự giao lưu thông thoáng giữa thượng lưu và hạ lưu của sông Đồng Nai. Về mặt không gian phân bố của di tích, chúng đã tạo nên một không gian Cát Tiên thoát ra khỏi mảnh áo chật hẹp về mặt địa lý hành chính của huyện Cát Tiên. Phải chăng hiện tượng này đã khiến cho một thời gian lịch sử lâu dài gây nên những nhận thức khó định vị về mặt địa lý hành chính: hoạch định vào trong phạm vi của một huyện hay nhiều huyện, để vào không gian của một tỉnh hay nhiều tỉnh. Dù thế nào đi nữa thì qua các kết quả nghiên cứu đã khai quật, đây là một di tích lớn mang tính chất của một trung tâm chính trị tôn giáo trong toàn vùng và cả khu vực, được xây dựng theo một trục đông tây, hoạch định theo không gian lý tưởng của dòng sông Đồng Nai, tạo nên nét tổng thể gắn kết các quần thể kiến trúc theo xu thế thống nhất được những nét đa dạng, nhiều loại hình với những ý tưởng tôn giáo được thể hiện với những chủ đề thể hiện sự khác biệt qua lịch đại.
Cát Tiên, sự kết tinh rực rỡ của nền văn hóa Đồng Nai
Đồng Nai là dòng sông lớn chảy trong phạm vi lãnh thổ nước ta. Quá trình tràn xuống chiếm lĩnh vùng đồng bằng các con sông lớn, vào khoảng thời đại đồng và sơ kỳ thời đại sắt, cách đây trên dưới 4000 năm đã hình thành nên những tiểu hệ thống văn hóa, theo phân loại hình học khu vực của nền văn minh Đông Sơn. Trong vùng lưu vực sông Đồng Nai, đó là tiểu hệ thống Cầu Sắt – Óc Eo. Trước đây với một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những di tích thuộc giai đoạn Dầu Giây, giai đoạn Óc Eo thường xếp chúng vào phạm trù văn hóa Sa Huỳnh. Thực chất chúng có chịu ảnh dưởng của văn hóa Sa Huỳnh nhưng không phải thuộc phạm vi của văn hóa Sa Huỳnh. Nhiều di tích mới phát hiện cũng đã được xếp vào các nền văn hóa khảo cổ độc lập.
Vào đầu công nguyên sau khi bị nhà Đông Hán xâm lược, nước ta phần phía Bắc đã bị phân chia thành quận huyện chịu sự thống trị trực tiếp của phong kiến phương Bắc. Miền Trung và miền Nam vẫn giữ được độc lập, chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Ở phía Bắc cư dân Đông Sơn vẫn tập trung tinh lực vào quá trình chống đồng hóa, cho nên những biểu hiện về mặt văn hóa vật chất, thể hiện qua những biểu hiện của khảo cổ học, chúng ta thấy rõ được sự thống nhất tập trung trong một tổng thể. Ở miền Trung và miền Nam với tư thế là những nước độc lập trong môi trường giao lưu văn hóa, sự hội nhập mang tính hài hòa, chủ động của từng vùng miền. Các nền văn hóa bản địa phát triển và hình thành nên những “quốc gia” độc lập. Hiện tượng này không được sự thống trị đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Vùng miền Trung hình thành nên lâm Ấp - Chămpa, với sự tập hợp của nhiều tiểu quốc. Vùng miền Nam cũng có xu thế, được sử cũ gọi là Phù Nam, với sự tập hợp nhiều vương quốc khác nhau. Trong địa bàn mà chúng ta đang quan tâm có các “nước”: bà Lị, Thù Nại, Xích Thổ, Kattigara, Panduranga… Sự tranh luận khoa học chưa đi đến sự thống nhất, nhưng có một điều có thể nhất trí được: di tích Cát Tiên thể hiện sự kết tinh đa chiều của văn hóa Đồng Nai vào thiên niên kỷ I sau CN, khác biệt với kiến trúc tôn giáo của văn hóa Óc Eo. Cát Tiên cũng không nằm trong hệ thống kiến trúc tôn giáo của văn hóa Chămpa. Một tổng thể các cụm di tích mang phong cách của đạo Balamon, chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất từ Ấn Độ đang là một thách thức lớn đối với nhận thức khoa học cho những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu chúng.
Nét kế thừa liên tục trong quá trình phát triển lịch sử của Cát Tiên
Khi đề cập đến Cát Tiên, có thể người ta đã đề cập đến cả một giai đoạn lịch sử của quần thể kiến trúc này trong một khung niên đại gần một thiên niên kỷ, từ thế kỷ III – IV đến thế kỷ X – XI. Với thói quen về quan niệm niên đại học của các nhà khảo cổ, việc phân chia các giai đoạn phát triển là điều cần thiết. Bước đầu với sự tồn tại của giai đoạn lịch sử Cát Tiên trong vùng Nam Tây Nguyên, cụm kiến trúc này đã bước đầu phá vỡ được tính chất huyền bí của một vùng thâm u chỉ được mường tượng qua các sử thi. Vừa là cội nguồn của văn hóa Đồng Nai, đồng thời với sự kết tinh của văn hóa Đồng Nai. Giai đoạn Phù Mỹ của cụm kiến trúc hùng vĩ này đã bước đầu phác họa nên một trang lịch sử mới của cư dân trong vùng. Một quá trình ra đi chiếm lĩnh các vùng đồng bằng nay với sự trở về nguồn, với sự xây dựng nên những thánh địa bảo đảm những yêu cầu mới của tâm linh. Từ mối quan hệ thượng du – hạ bạn nay lại theo xu thế đảo ngược hạ bạn – thượng du, hoàn chỉnh một quá trình của chỉnh thể về nguồn. quá trình chỉnh thể hóa này đã được các sử sách xưa phác họa sơ sài bằng vào việc ghi nhận sự tồn tại của nhiều tiểu quốc. đó là sự khác biệt, như trên đã đề cập. Với tình hình lịch sử ở phía Bắc dưới sự chống đồng hóa với phong kiến phương Bắc. Dưới ảnh hưởng đậm nét của tôn giáo Ấn Độ các tiểu quốc vùng Đồng Nai đã có một sự liên kết lỏng lẻo thể hiện ra một cộng đồng có vẻ gắn kết như quần thể Cát Tiên. Đó là sự biểu hiện của một cộng đồng của nhiều tộc người, mà hiện nay chủ thể của chúng vẫn còn đang phải tiếp tục nghiên cứu. Nhiều người nhắc đến tổ tiên của tộc người Mạ. Dù sao với địa danh Cát Tiên, cũng có thể làm người ta suy ngẫm đến tộc S’tiêng. Trong thần thoại của dân tộc này vẫn còn ghi nhận sự đối lập trong hợp nhất của hai vùng thượng lưu và hạ bạn, về những nơi cư trú xa xưa ở những vùng làm người ta có thể liên tưởng đến ngày nay là vùng Cần Giờ, Bà Rịa. Thực tế khảo cổ học cũng chỉ mới cung cấp được các mối liên hệ giao lưu văn hóa của cụm di tích này với vùng Nam Tây Nguyên, một dải đồng bằng hẹp tính từ Khánh Hóa đến Bà Rịa, hình thành nên một trung tâm của miền Đông Nam Bộ. Bước đầu tìm hiểu về giá trị của văn hóa của di tích này có thể hiểu Cát Tiên là thánh địa mang tính chất Balamon giáo của vùng Đông Nam Bộ cổ xưa.
Một trong thế chân vạc của sự phát triển lịch sử ở Nam Đông Dương, thiên niên kỷ I
Cát Tiên là miền hội tụ những không gian văn hóa chính trị của nhiều quốc gia sơ khai trong vùng. Những nét chủ đạo trong quá trình hội nhập là những biểu hiện của Balamon giáo từ Ấn Độ. Những đồ trang sức bằng đá quý, có thể do con đường giao thông thủy, bộ đưa đến cũng đã có mặt ở đây. Mối liên hệ với Trung Hoa được ghi nhận qua đồ gốm sứ, gương đồng.
Quần thể Cát Tiên có những nét đặc điểm riêng so với các thánh địa khác cùng thời ở trong phạm vi nước ta, nằm ở chỗ xử lý các khu nguyên liệu kiến trúc ngay tại chỗ. Đá được khai thác tại chỗ ở núi đá Mài. Điều vô cùng đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa là lần đầu tiên ở nước ta trong việc nghiên cứ các tháp gạch ở miền Trung và miền Nam, khảo cổ học đã phát hiện ở Cát Tiên các công trường thủ công sản xuất gạch, nguồn vật liệu xây dựng chủ yếu, với các kích cỡ khác nhau. Quy mô kết hợp giữa công trường sản xuất vật liệu và công trường kiến thiết đã phản ánh hai vấn đề cần chú ý: một là quy mô hùng vĩ của công trình, hai là quy mô huy động tập hợp nhân công rất đa dạng, nhiều thành phần. Tính tổ chức này, vào thời đó khoảng cuối thiên niên kỷ thứ I, ở vùng Nam Đông Dương còn thể hiện qua di tích Angko ở Campuchia và Vát Phu ở Lào. Mặt khác ba kiến trúc này cũng mang những nét giao lưu văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau, khiến cho việc tìm hiểu về vấn đề chủ nhân của di tích Cát Tiên đầy vẻ hứng thú. Sự trần tục hóa hay cụ thể hóa, một quan điểm nhân sinh về những con người sống trên đồi cao trong vùng thung lũng mở của một con sông mẹ, cũng là nơi để chọn khắc họa thế giới quan có ảnh hưởng của vũ trụ quan của tông giáo Balamon. Nguồn sống của tâm linh là vô hạn, nhưng nó lại bị một thực tiễn phũ phàng được quyết định do những cơ sở kinh tế, chính trị hữu hạn. Nguyên nhân sự tồn tại của Cát Tiên được cánh rừng già che phủ nhiều thế kỷ vẫn chưa được hiểu rõ lắm do sự mất mát của cảng thị cổ Cần Giờ. Chúng ta có thể đoán rằng sự lụi tàn của Cát Tiên – Vát Phu – Angko hình như có cùng một nguyên nhân, cùng một xu thế. Nếu quả như vậy thì giá trị văn hóa của di tích lịch sử Cát Tiên để lại cho chúng ta, cho hậu thế vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Diệp Đình Hoa