Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Nghĩa tình Hà Giang - Lâm Đồng trong phong trào kết nghĩa Bắc - Nam

Trong chuyến thăm và làm việc của Bảo tàng Lâm Đồng với Bảo tàng Hà Giang vào tháng 6/2024, hai bên đã cùng trao đổi nhiều kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời đặt vấn đề về việc phối hợp công tác trong thời gian tới. Trong đó có nhắc đến sự kiện kết nghĩa giữa hai tỉnh Hà Giang - Lâm Đồng trong phong trào kết nghĩa Bắc - Nam, những năm 1960. Từ sự kiện này, nhiều địa danh ở Hà Giang đã mang tên Lâm Đồng và ngược lại, như là minh chứng sống động cho tình cảm gắn kết giữa 2 tỉnh kết nghĩa hơn 60 năm về trước.

ha giang lam dong

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Hà Giang

Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam là một phong trào thi đua của các tỉnh, thành phố Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là một trong những phong trào thi đua cùng với các phong trào khác, như “Sóng duyên hải” trong công nghiệp, “Gió đại phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, miền Bắc còn tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam và có hiệu quả thiết thực.

Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam nhằm động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất, chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Các tỉnh, thành phố kết nghĩa nhận con em miền Nam tập kết về nuôi dưỡng và cán bộ miền Nam ra an dưỡng theo kế hoạch của cấp trên, cung cấp cán bộ cho các tỉnh miền Nam khi có yêu cầu...

Ngày 01/9/1960, tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã thực hiện kết nghĩa với rất nhiều nội dung và hoạt động thắm đượm tinh thần đoàn kết giữa 2 địa phương của 2 miền. Sau khi kết nghĩa, hai tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, khẳng định sự đoàn kết, gắn tình keo sơn. Từ mảnh đất Hà Giang biên cương, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, của cách mạng đã hành quân vào Lâm Đồng vừa xây dựng kinh tế mới, vừa củng cố, bổ sung lực lượng cho cách mạng miền Nam, để cùng với anh em các dân tộc Lâm Đồng bảo vệ, chiến đấu, giải phóng tỉnh Lâm Đồng, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng sau ngày kết nghĩa giữa 2 tỉnh, tại huyện Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nhiều địa danh được mang tên Hà Giang, như Nông trường chè Hà Giang, đường Hà Giang và Khu đô thị mới Hà Giang. Ở căn cứ cách mạng chống Mỹ của huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), những năm sau ngày giải phóng miền Nam đã thành lập Hợp tác xã Hà Lâm, tên gọi này được ghép giữa Hà Giang - Lâm Đồng.

Ở Hà Giang, một số địa danh mang tên Lâm Đồng cũng được hình thành, như con đường Lâm Đồng, Hợp tác xã Lâm Đồng và đặc biệt là Công trường Lâm Đồng mở đường Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì. Đường Lâm Đồng nay rất sầm uất, phố xá rợp bóng mát của cây xanh nằm giữa lòng thành phố Hà Giang xinh đẹp, văn minh và hiện đại.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thành lập ngày 25/12/1945. Qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gặt hái những thành tựu rất đáng tự hào. Trong 75 năm phát triển trải qua 16 kỳ đại hội, nhưng đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ III diễn ra năm 1961 tại thị xã Hà Giang, đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng anh em kết nghĩa đã đến dự. Việc đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn như những năm 1960 thể hiện tinh thần đoàn kết Bắc - Nam ruột thịt, sự quyết tâm của hai miền Nam - Bắc trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau hơn 60 năm kết nghĩa, trong thời kỳ hòa bình và phát triển của đất nước, hai tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng vẫn tiếp tục gìn giữ những nghĩa tình đặc biệt. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của Bảo tàng Hà Giang và Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát huy truyền thống tốt đẹp của hai địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Thái An