Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Triển lãm “Lâm Đồng vươn mình phát triển”

Từ ngày 30/5 đến ngày 30/6/2024, Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức Triển lãm hình ảnh “Lâm Đồng vươn mình phát triển”, nhằm tuyên truyền, phục vụ cho Hội nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh, giới thiệu tới người dân và du khách về vùng đất và con người Lâm Đồng. Đặc biệt, là những thành tựu tiêu biểu trên các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những tiềm năng, thế mạnh, những giá trị của địa phương, cũng như thể hiện tầm nhìn phát triển tỉnh nhà trong tương lai.

lam dong vuong minh 1

Những du khách đầu tiên tham quan Triển lãm “Lâm Đồng vươn mình phát triển”

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên, với diện tích gần 10.000 km2 và dân số khoảng 1.300.000 người (theo thống kê năm 2019). Hiện nay, tỉnh có 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc cùng 10 huyện, bao gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương.

Lâm Đồng nằm trên miền cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, với những dải đồi núi trập trùng, có điều kiện thuận lợi để canh tác các loại cây công nghiệp với quy mô lớn và có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh còn có trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú, phục vụ đắc lực cho các ngành công nghiệp trong nước.

Lâm Đồng đứng thứ 2 trong các tỉnh Tây Nguyên về tỉ lệ che phủ rừng, với diện tích rừng hơn 600.000ha, cùng hai vườn quốc gia Cát Tiên và Bidoup - Núi Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, là địa danh được đánh giá có tính đa dạng sinh học rất cao, bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm của đất nước, cũng như trên toàn cầu.

Nhắc đến Lâm Đồng, người nghe còn nhớ đến tỉnh thành sở hữu rất nhiều giá trị chiều sâu trong văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều cư dân sống lâu đời, như Mạ, Cơ Ho, Churu. Đây cũng được xem là một nguồn tài nguyên du lịch đầy tiềm năng của vùng đất này để du khách khám phá.

lam dong vuong minh 2

Du khách nước ngoài thích thú với những hình ảnh tại Triển lãm “Lâm Đồng vươn mình phát triển”

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với nhiều sản phẩm có giá trị, vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước, khẳng định được thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Trong đó, cà phê và trà đã tạo những thương hiệu nhất định trên thị trường, như Cầu Đất (Đà Lạt), Tâm Châu (Bảo Lộc). Rau và hoa ôn đới là thế mạnh đặc trưng của Đà Lạt, vùng trồng hoa lớn nhất cả nước, được áp dụng khoa học - kĩ thuật hiện đại trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Chăn nuôi ở Lâm Đồng cũng đạt giá trị cao trong nền kinh tế, nổi bật là chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương, Đức Trọng, nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) ở Đà Lạt, Lạc Dương.

Về công nghiệp, ngành chủ đạo ở Lâm Đồng là chế biến nông sản, nổi bật là sản xuất lụa tơ tằm (Bảo Lộc), chế biến thành phẩm trà, cà phê, rượu vang (Đà Lạt),... Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhiều ngành công nghiệp của tỉnh cũng phát triển như gốm sứ, vật liệu xây dựng,... Đặc biệt, lợi dụng địa hình đồi núi với nhiều thác lớn, Lâm Đồng có nhiều công trình thủy điện, như thủy điện Đại Ninh, thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Đồng Nai 4.

Nhắc đến du lịch, Lâm Đồng là một trong những tỉnh sở hữu nhiều tài nguyên du lịch quý giá, là nhân tố đột phá và là ngành kinh tế động lực của Lâm Đồng, là động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Lâm Đồng có nhiều danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất này. Đà Lạt là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, với các loại hình du lịch phong phú, đa dạng: du lịch tham quan, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, du lịch vườn, du lịch văn hóa - thể thao, du lịch mạo hiểm...

Đặc biệt, Lâm Đồng nằm trong khu vực sở hữu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, năm 2005. Tỉnh và các địa phương luôn quan tâm mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, tổ chức nhiều sự kiện lễ hội để tái hiện không gian văn hóa ngàn xưa, góp phần lưu truyền nét văn hóa độc đáo này. Hoạt động du lịch di sản được chú trọng, với các nhóm biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu tới du khách, cũng như tạo việc làm, tạo ra ý thức giữ gìn, vun đắp tình yêu của thế hệ trẻ đối với truyền thống của dân tộc mình.

Thành phố Đà Lạt sở hữu nhiều di sản kiến trúc, là nguồn lực để thu hút du khách khi tới với Đà Lạt, cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của thành phố hơn 130 năm tuổi sở hữu nhiều giá trị văn hóa kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, giá trị của phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” từng bước được xây dựng và phát huy, là giá trị văn hóa cốt lõi để góp phần phát triển kinh tế và văn hóa tỉnh nhà.

Với những thuận lợi về tự nhiên và xã hội kể trên, có thể khẳng định tỉnh Lâm Đồng mang trong mình rất nhiều tiềm năng, thế mạnh và giá trị để vươn mình phát triển trong tương lai không xa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Đồng luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, xứng tầm với những giá trị mà địa phương đang sở hữu.

Với những hình ảnh được lựa chọn tỉ mỉ, bố trí khoa học theo chủ đề, sắp đặt hợp lý, Triển lãm hình ảnh “Lâm Đồng vươn mình phát triển” hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận sống động về sự vươn mình phát triển của Lâm Đồng. Triển lãm mang đến những thông điệp sống động về một tỉnh Lâm Đồng phát triển năng động, xứng tầm là địa phương phát triển toàn diện trong tương lai, theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàng Hiền