Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tọa đàm “Công tác trưng bày, tuyên truyền trong hoạt động bảo tàng và những vấn đề đặt ra hiện nay”

Ngày 28/4/2021, tại hội trường cơ quan, Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức thành công cuộc tọa đàm “Công tác trưng bày, tuyên truyền trong hoạt động bảo tàng và những vấn đề đặt ra hiện nay”. Đây là sinh hoạt khoa học nội bộ với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cùng viên chức các phòng chức năng của đơn vị.

Quang canh toa dam

Quang cảnh cuộc tọa đàm “Công tác trưng bày, tuyên truyền
trong hoạt động bảo tàng và những vấn đề đặt ra hiện nay”

Cuộc tọa đàm là dịp nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm bổ ích từ lý luận đến thực tiễn trong công tác trưng bày, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác trưng bày, tuyên truyền trong mối quan hệ mật thiết với các khâu công tác của hoạt động bảo tàng. Qua đó củng cố niềm yêu nghề, ý thức trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần phối hợp tích cực của viên chức, hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thông qua 13 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, cuộc tọa đàm đã tập trung nêu bật các vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác trưng bày, tuyên truyền; mối quan hệ mật thiết giữa trưng bày, tuyên truyền với các công tác khác trong hoạt động bảo tàng; đề xuất, kiến nghị đổi mới, nâng cao chất lượng công tác trưng bày, tuyên truyền trong hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng.

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đặc biệt, có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của nhân loại. Bảo tàng Việt Nam nói chung và Bảo tàng Lâm Đồng nói riêng cũng có những bước phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Qua hơn 45 năm hình thành và phát triển (từ tháng 8-1975), với gần 22 năm đi vào hoạt động ổn định (từ năm 1999, tại số 4, Hùng Vương), cùng với việc tiếp nhận Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (năm 2016), sáp nhập thêm Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ học Cát Tiên (năm 2018), Bảo tàng Lâm Đồng đã khẳng định những bước phát triển vững chắc. Sự phát triển tích cực đó dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy thành quả của các thế hệ làm công tác bảo tàng đi trước, cùng những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ du lịch, giải trí, giáo dục, trải nghiệm, khám phá ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn tại thành phố Đà Lạt hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng cần đánh giá đúng những mặt làm được và chưa làm được, từ đó xác định những vấn đề cần tập trung đầu tư nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới. Trong đó, công tác trưng bày - tuyên truyền, vốn được xem là khâu công tác cuối trong các khâu công tác bảo tàng, giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng cần được quan tâm chú trọng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của bảo tàng thể hiện rõ nhất qua công tác trưng bày, tuyên truyền trong mối quan hệ mật thiết với các khâu công tác khác.

Đồng chí Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cán bộ, viên chức. Các tham luận có sự đầu tư nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, các ý kiến đã mạnh dạn đánh giá thực trạng, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm chú trọng, nhiều đề xuất, kiến nghị tâm huyết, thỏa đáng.

Lãnh đạo đơn vị sẽ nghiên cứu, xác định rõ các vấn đề cần tập trung triển khai, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi, đảm bảo cho sự phát triển của Bảo tàng Lâm Đồng trong thời gian tới.

Thái An