Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bảo tàng Lâm Đồng: Sức hút từ giá trị lịch sử, văn hóa

Con số 39.980 du khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng năm 2015 đã khẳng định sức hút ngày càng lớn từ những hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa.

trungnguyen2016 03 11 143148PM

Với tâm huyết và tình yêu với di sản, những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lâm Đồng luôn trăn trở phải biến những hiện vật mang thông điệp văn hóa, lịch sử sắp xếp thành hệ thống để tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút. Khác với các bảo tàng địa phương khác chỉ cần theo motip bám vào từng giai đoạn lịch sử mà lựa chọn hiện vật; Bảo tàng Lâm Đồng đã cẩn trọng từ việc xây dựng đề cương chi tiết cho từng phần trưng bày, lựa chọn sự kiện tiêu biểu, hiện vật có giá trị, đến việc bài trí triển lãm. Không rập khuôn, dàn trải, Bảo tàng Lâm Đồng đi sâu vào những phần nổi bật mang đặc trưng riêng có của địa phương.

Trong đó, những phát hiện khảo cổ học trên đất Lâm Đồng và những đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa là hai nội dung được Bảo tàng chọn làm điểm nhấn trong trưng bày. Các hiện vật khảo cổ tại di chỉ Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờn, di chỉ khảo cổ Cát Tiên là những địa tầng văn hóa mang đến cho du khách sự thú vị. Phần dân tộc giới thiệu đậm nét các hình thức cư trú (nhà sàn, nhà dài); các dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất săn bắt hái lượm; nghề truyền thống, trang phục; lễ hội truyền thống và đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa (Mạ, K’Ho, Churu) lại giúp người xem có thể nhận diện khá đầy đủ, cũng như nắm bắt mạch nguồn nối từ quá khứ đến hiện đại về mảnh đất giàu tính nhân văn. Phần các thời kỳ lịch sử, cũng được nhấn mạnh vào các sự kiện quan trọng, các cao trào đấu tranh ở địa phương trên nền lịch sử chung của cả nước... Bên cạnh đó, những phần trưng bày như: Quá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, Đà Lạt xưa, Đà Lạt nay, không gian thiên nhiên, rừng cây muông thú được tác tạo từ các mô hình sinh động. Cùng với hiện vật, mẫu vật minh họa, nhiều thước phim về lễ hội văn hóa, danh lam thắng cảnh, thiên nhiên tươi đẹp được chiếu qua hệ thống màn hình... Trên diện tích 2.000m2, gần 3.000 hiện vật hình ảnh, tài liệu khoa học đã tái hiện quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, tự nhiên, xã hội và văn hóa của những cư dân từng tồn tại và gắn bó với vùng đất Nam Tây Nguyên.

Không ngừng làm mới mình, Bảo tàng Lâm Đồng đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức nhằm phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa, khắc phục sự nhàm chán, đơn điệu đối với du khách tham quan, học tập. Đồng thời thường xuyên chỉnh lý, bổ sung nội dung trưng bày. Mỗi năm, Bảo tàng đều kiểm tra, sửa chữa và bổ sung các vật dụng tại khu trò chơi dân gian, khu văn hóa dân tộc; thường xuyên nghiên cứu nội dung, chỉnh lý phần trưng bày kháng chiến; chỉnh lý khu trưng bày dân tộc; sửa chữa các bảng trích song ngữ, bổ sung các câu ca dao, tục ngữ của các dân tộc bản địa; rà soát thay thế các ô chữ thuyết minh cũ có nội dung hình thức chưa phù hợp tại nhà trưng bày; bổ sung hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại Cung Hoàng hậu Nam Phương; bổ sung các mẫu côn trùng muông thú tại khu trưng bày thiên nhiên… Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ thuyết minh viên nhằm phục vụ tốt công tác cung cấp thông tin, đón tiếp khách đến tham quan Bảo tàng. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật cũng được đặc biệt quan tâm. Bảo tàng Lâm Đồng đã thực hiện nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về sự biến đổi kinh tế, xã hội của cộng đồng các dân tộc bản địa từ quá khứ đến hiện tại, nghiên cứu phục chế các hiện vật khảo cổ phục vụ trưng bày ngoài trời đảm bảo tính chính xác, khoa học; sưu tầm hàng ngàn hiện vật và mẫu vật về chuyên đề kháng chiến, văn hóa dân tộc, Đà Lạt xưa, thiên nhiên; sưu tầm hàng trăm hình ảnh tư liệu các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương.
Ghi nhận sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng; năm 2015, vừa qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã khẳng định vị thế khi được xếp hạng II quốc gia - là thứ hạng mà hiếm các bảo tàng địa phương đạt được. Nhưng phần thưởng đáng quý nhất chính là những cảm tình cảm tốt đẹp, sự lưu luyến mà nhân dân và du khách đã dành cho Bảo tàng, luôn mong có ngày được trở lại. Bạn Hương Huyền (Tân Phước - Tiền Giang) chia sẻ: “Tham quan Bảo tàng Lâm Đồng đã mở ra cho tôi những hiểu biết hơn về con người, dân tộc Việt Nam, thật tuyệt vời, thật ý nghĩa, mong ước những ký ức đẹp này được lưu giữ mãi”. Ông Rositch (đến từ Đức) cũng bày tỏ: “Tham quan Bảo tàng Lâm Đồng vốn không có trong kế hoạch của chúng tôi trong chuyến đi này, nhưng nơi đây bất ngờ trở thành một địa chỉ để lại những kỷ niệm ấm áp nhất. Bảo tàng thật tuyệt! Nơi đây là lịch sử, là văn hóa, là cuộc sống... Đặc biệt, những hiện vật quý giá, hình ảnh đáng nhớ qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc của các bạn”...

Qua 5 năm khánh thành đi vào hoạt động nhà trưng bày mới (2010), lượng du khách đến tham quan Bảo tàng không ngừng tăng lên hàng năm, và sẽ không dừng lại ở con số 40 ngàn khách tham quan (1.562 khách quốc tế). Với mong muốn đem những điều hay nhất, đẹp nhất, quý giá nhất của vùng đất Nam Tây Nguyên đến với du khách trong nước và bè bạn quốc tế qua các giá trị của di sản; đội ngũ cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng sẽ tiếp tục lao động, sáng tạo để du khách đến đây sẽ có những ấn tượng đẹp và đầy ý nghĩa.\


THÁI AN