Thông năm lá Đà Lạt
Sau khi bác sĩ - nhà thám hiểm Alexander Yersin chinh phục cao nguyên Langbian vào năm 1893, người Pháp đã chú ý đến những rừng thông với nhiều loài thông quý khi đặt chân tới vùng đất này. Trong đó, loài Thông năm lá (Pinus Dalatensie de Ferre) là một trong những loài thông đặc hữu của Việt Nam và là loài cây “đặc sản” của vùng cao nguyên Nam Trung Bộ nước ta. Loài thông này được nhà thực vật học người Pháp Y. de Ferre mô tả và công bố lần đầu tiên vào năm 1960. Loài Thông năm lá Đà Lạt rất độc đáo, khác hoàn toàn với Thông năm lá ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và cũng khác với Thông ba lá phổ biến ở Đà Lạt. Công chúng có thể tìm hiểu về loài thông này tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Mẫu lá, quả và gỗ Thông năm lá Đà Lạt, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Thông năm lá Đà Lạt có mặt ở các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Ninh Thuận, chủ yếu trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Riêng ở Lâm Đồng, loài thông này thường tìm thấy ở Đà Lạt và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Thông năm lá Đà Lạt thường thấy trong kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và lá kim, ở độ cao từ 1.400m - 1.900m so với mặt nước biển, phân bố cụm ở đỉnh đồi và rải rác ở sườn, chân đồi. Thông năm lá mọc hỗn giao với một số loài cây gỗ quý, như Bạch tùng, Hồng tùng, Pơ mu, Thông tre, Thông hai lá dẹt,…
Cây Thông năm lá Đà Lạt trưởng thành thường phân bố rất đều nhau, cây tái sinh rất hiếm. Cây gốc lớn, thường xanh, cao 20 - 30m, tán lá hình nón thưa. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc, bong ra thành từng vảy lớn. Các cành ngắn mọc thành cụm ở đầu cành. Lá mọc cụm với 5 lá kim ở đỉnh, dài 6 - 7cm, mặt cắt ngang hình tam giác, cạnh có răng cưa nhỏ. Nón thông đơn tính, cùng gốc. Nón cái thành thục hình trụ, dài 5,5cm - 10cm. Hạt hình trứng, màu nâu, dài 0,8 - 1cm, mang cánh dài ở trên đầu. Bên trong quả Thông năm lá Đà Lạt chứa rất nhiều hạt lớn, kích thước trung bình khoảng 0,5 x 1cm. Gỗ của Thông năm lá rắn chắc, có mùi thơm, dễ chế tác thành đồ gia dụng và nội thất, hay sử dụng trong nghành công nghiệp sản xuất bột giấy. Với hình dáng đẹp, Thông năm lá còn có thể trồng làm cây xanh ở công viên, đường phố.
Một số hình ảnh về Thông năm lá Đà Lạt
Thông năm lá Đà Lạt có giá trị khoa học và sử dụng cao, được xếp vào nhóm IIA theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và nằm trong nhóm sắp nguy cấp (NT) trong Sách đỏ (Red List) của IUCN (2019). Hiện nay, Thông năm lá Đà Lạt đang đối mặt với sự suy giảm đáng báo động. Loài cây này chỉ còn phân bố ở ít hơn 10 địa điểm khác nhau, do mất môi trường sống và số lượng cây trưởng thành trong mỗi khu vực phân bố thường giới hạn dưới 100 cá thể. Với tình trạng suy giảm đáng lo ngại về số lượng cá thể và quần thể, việc bảo tồn và phát triển loài thông này trở nên cực kỳ cần thiết.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Cảnh Nam (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên), cần dựa vào 3 nhân tố sinh thái ảnh hưởng tổng hợp đến mật độ phân bố loài Thông năm lá, đó là độ cao so với mặt biển, lượng mưa và độ dày tầng đất để xác định các khu vực, vùng sinh thái thích hợp để bảo tồn và phục hồi các quần thể loài thông này. Trong đó, vùng thích hợp nhất với Thông năm lá là nơi có lượng mưa từ 1.800 - 2.200 mm/năm, trên độ cao từ 1.000 - 1.900m so với mặt nước biển và có tầng đất mặt khá dày trong kiểu rừng lá rộng thường xanh xen cây lá kim.
Thông năm lá Đà Lạt là một loài cây quý hiếm và có giá trị cao. Việc bảo tồn và phát triển bền vững loài cây này không chỉ nhằm bảo tồn loài cây đặc hữu của Đà Lạt, mà song song với việc quy hoạch các khu vực thích hợp để trồng, nhân giống Thông năm lá Đà Lạt còn có thể phát triển du lịch sinh thái để thu hút du khách và tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Khi đến Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng chính là điểm đến thú vị sẽ cung cấp cho du khách những thông tin hữu ích về các loài thông, đặc biệt là Thông năm lá Đà Lạt. Tại nhà trưng bày chính của Bảo tàng Lâm Đồng thường trực trưng bày các mẫu vật và mã QR-Code giúp du khách dễ dàng nắm bắt những thông tin quan trọng về loài thông này. Qua đó, Bảo tàng Lâm Đồng mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển loài Thông năm lá Đà Lạt.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Lâm Đồng online (2024), Cần quan tâm bảo tồn và phát triển bền vững Thông năm lá Đà Lạt.
2. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (2019), Đặc điểm cấu trúc và sinh thái loài Thông năm lá (Pinus dalatensis de Ferre) tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tỉnh Lâm Đồng.
3. Tạp chí khoa học Lâm nghiệp (2022), Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống Thông năm lá (pinus dalatensis) tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
4. Tạp chí Một thế giới điện tử (2017), Lâm Đồng, chiếc nôi của cây thông.
5. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng: Tại đây
Tin mới
- Bàn ủi con gà, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:29
- Một số nông cụ truyền thống trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê tại Bảo tàng Lâm Đồng - 21/10/2024 06:46
- Tìm hiểu về “thủy trì” trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 14/10/2024 07:26
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
Các tin khác
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01