Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Khi đến Đà Lạt, một địa điểm lý tưởng mà du khách trong và ngoài nước không thể bỏ lỡ chính là Bảo tàng Lâm Đồng, nơi công chúng có thể tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Đà Lạt - Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên. Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang lưu giữ và phát huy giá trị hơn 12.000 hiện vật. Một trong những nội dung hấp dẫn du khách chính là phần trưng bày “Thiên nhiên Lâm Đồng”. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về sự đa dạng của hệ thực vật ở rừng của Lâm Đồng. Trong đó có nhiều loài cây gỗ quý, nổi bật là Pơ mu, một loài gỗ quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ của Việt Nam.
Hình ảnh mẫu gỗ Pơ mu trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Pơ mu có tên khoa học là Chamaecyparis Hodginsi (Dum) Rushforth, thuộc họ Hoàng đàn. Nhiều nơi còn gọi cây Pơ mu bằng những tên khác, như Đinh Hương, Khơ Mu, Mạy Long Lanh... Pơ Mu là loài cây gỗ lớn, thường mọc trên các địa hình đất đá vôi hay đất gốc Granit ở độ cao từ 900m - 1.800m. Cây cần khí hậu mát mẻ, nhiều mưa để phát triển. Đây là loài cây gỗ thân thẳng, chiều cao trung bình từ 25 - 30m, tán hình tháp, mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh. Vỏ cây màu ánh nâu hoặc nâu xám, rất dễ bị tróc khi cây còn non. Khi cây già hơn, trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, ngửi có mùi thơm. Các lá được sắp xếp trong hệ thống cành nhánh nhỏ nằm trên một mặt phẳng. Lá Pơ Mu bố trí thành cặp chéo chữ thập đối, so le nhau, dài khoảng 2 - 5mm, phía trên xanh sẫm với các dải khí màu trắng phía dưới. Quả màu nâu, hạt có cánh. Cành non không mang quả. Nón đơn tính cùng gốc, nón đực hình trứng hay hình bầu dục, dài 1cm, mọc ở nách lá. Nón cái có hình cầu, mọc ở đỉnh của cành ngắn, khi chín tách thành 5 - 7 đôi vảy, màu đỏ, hóa gỗ. Mỗi vảy hữu thụ mang hai hạt có hai cánh không bằng nhau. Mùa quả chín vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.
Ở nước ta, Pơ mu phân bố ở các tỉnh vùng Tây Bắc (như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên), các tỉnh miền Trung (như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam) và Tây Nguyên.
Tại Lâm Đồng, Pơ Mu phân bố ở vùng Biduop - Núi Bà. Đặc biệt tại đây có cây Pơ Mu cổ thụ hơn 1.300 năm tuổi, cao hơn 40m, đường kính trên 4m (7 - 8 người ôm không xuể), được các nhà khoa học Đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là cây di sản.
Từ việc nghiên cứu vòng đời của các cây Pơ mu tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, các nhà khoa học đã làm được một điều đáng kinh ngạc là giải mã một số biến cố gây ra bởi sự thay đổi khí hậu trong quá khứ. Cụ thể là thông qua hơn 100 mẫu ruột cây Pơ Mu được lấy từ Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhà khoa học Brendan Buckley đã tiến hành phân tích tại Phòng thí nghiệm Vòng cây của Lamont-Doherty Earth Observatory (Mỹ). Thông qua kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của ông Buckley tái tạo thời tiết gió mùa của hơn 700 năm qua ở lục địa Á châu, trong đó có vài thời kỳ hạn hán lớn ở Đông Nam Á: Khoảng cuối thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV.
Hiện nay, Pơ mu là loài gỗ được xếp vào nhóm IIA - loài có nguy cơ bị đe dọa theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và được xếp trong nhóm nguy cấp (VU) trong Danh sách Đỏ (Red List) của IUCN (2023).
Pơ mu là loại gỗ quý có mùi thơm đặc trưng, vân gỗ mịn và tinh xảo, trọng lượng gỗ nhẹ mà cứng cáp, chịu được lực, có độ bền lên đến hàng trăm năm, nên gỗ được sử dụng trong xây dựng, thiết kế nội thất, chế tác đồ mỹ nghệ hay đồ gia dụng. Ngoài giá trị của phần thân, rễ cây Pơ mu chứa tinh dầu có thể chiết xuất làm hương liệu sử dụng trong hóa mỹ phẩm (chế tạo nước hoa) và sử dụng trong y học (dùng làm thuốc sát trùng, giảm đau, phòng và điều trị các bệnh về da, giảm mệt mỏi, chống căng thẳng thần kinh...).
Cây Pơ mu trên đồi thông Bảo tàng Lâm Đồng
Tại nhà trưng bày chính của Bảo tàng Lâm Đồng, du khách sẽ được quan sát, giới thiệu về mẫu vật gỗ Pơ mu. Đặc biệt còn được chiêm ngưỡng bức tượng gỗ Bác Hồ với Tây Nguyên được chế tác từ loại gỗ này. Bức tượng gỗ thể hiện tình cảm của Bác với các dân tộc Tây Nguyên và tấm lòng đồng bào Tây Nguyên luôn hướng về Đảng, về Bác. Bức tượng từng đạt giải thưởng đặc biệt của Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực 7, năm 2001. Trên con đường dẫn lên cung Nam Phương Hoàng hậu, du khách còn được tận mắt nhìn thấy cây Pơ mu trong tự nhiên. Cây được Bảo tàng Lâm Đồng trồng trong nhiều năm qua, nay chiều cao đã hơn 5m, đường kính gốc hơn 20cm.
Do Pơ mu chỉ tái sinh từ hạt, tập trung ở độ cao từ 1.400m - 1.800m và không có khả năng tái sinh liên tục, nên việc khai thác gỗ Pơ Mu quá mức trên địa bàn cả nước nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng không chỉ tác động lớn đến nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng sinh học mà còn dẫn đến biến đổi khí hậu và rất nhiều hệ lụy khác. Để bảo vệ và nhân rộng số lượng loài gỗ quý này, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp. Riêng tại Bảo tàng Lâm Đồng, việc trưng bày và giới thiệu về Pơ mu là một việc làm thiết thực, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo vệ, phát triển loài gỗ Pơ mu quý hiếm cho hôm nay và mai sau.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo điện tử Tiên Phong (2013), Đi tìm cây tiền sử sống sót ở Việt Nam.
2. Đặng Phi Hùng (2010), Xác định các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố, tái sinh tự nhiên loài Pơ Mu (Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry et Thomas) tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đăk Lăk.
3. Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp (2023), Tái lập dữ liệu khí hậu dựa vào độ rộng vòng năm loài Pơ Mu (chamaecyparis hodginsii (dunn) rushforth) tại cao nguyên Langbiang tỉnh Lâm Đồng.
4. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng: tại đây
Tin mới
- Tìm hiểu về “thủy trì” trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 14/10/2024 07:26
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
Các tin khác
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
- Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/05/2024 12:39