Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử đã vẽ lại hình hài đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thắng lợi đó có đóng góp quan trọng của những thắng lợi tại các địa phương khắp cả nước, trong đó có Đà Lạt. Ngược dòng lịch sử, nhìn lại mùa Thu năm 1945 để thấy được tinh thần quyết tâm làm chủ vận mệnh dân tộc của nhân dân Đà Lạt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 02/9/1945
Đầu năm 1945, khí thế cách mạng sục sôi cả nước. Đêm 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Tại Đà Lạt trong khí thế cách mạng sục sôi, tổ chức Đảng đã có sự chuẩn bị chu đáo để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ngay khi thời cơ đến. Mở đầu là sự kiện tù nhân nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh thắng lợi, buộc phát xít Nhật phải thả hết tù chính trị, vào tháng 4/1945. Tổ chức Đảng trong nhà lao đã phân công ông Ngô Huy Diễn và ông Nguyễn Thế Tính về Đà Lạt xây dựng cơ sở, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, Uỷ ban Mặt trận Việt Minh Đà Lạt, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời tỉnh Lâm Viên và các đoàn thể cứu quốc lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia.
Sau đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, một số địa phương khởi nghĩa thắng lợi đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.
Được sự giúp đỡ của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa, đêm 21/8/1945, Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa được tổ chức tại Đà Lạt đã thống nhất chủ trương, phương pháp vận động, tổ chức nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Lạt và tỉnh Lâm Viên vào ngày 23/8/1945. Công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành hết sức khẩn trương, từ việc phổ biến kế hoạch, tổ chức đội ngũ đến việc may cờ, viết khẩu hiệu, tất cả đều gấp rút chạy đua với thời gian. Lực lượng quần chúng được tổ chức theo các phường, ấp gồm các đoàn thể công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các đội tự vệ, mỗi người tự trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ.
Lúc này tại Cầu Đất, tuy chưa có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng đồng chí Trịnh Lý, đảng viên thuộc chi bộ Đảng tại Cầu Đất - Trạm Hành (còn gọi là chi bộ đường sắt) đã tập hợp một số công nhân, thanh niên bàn kế hoạch giành chính quyền. Ngày 21/8/1945, nhân dân ở Cầu Đất, Trạm Hành đã khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng, đồng chí Trịnh Lý đích thân vào đồn cảnh sát Cầu Đất buộc tên đồn trưởng giao đồn, chính quyền đã về tay nhân dân.
Chợ cũ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình), nơi xuất phát của cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Đà Lạt (23/8/1945)
Sáng sớm ngày 23/8/1945, từ khắp các phường, ấp tới vùng ngoại ô Đà Lạt, các tầng lớp nhân dân hàng ngũ chỉnh tề, mang theo cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, các loại vũ khí thô sơ rầm rập kéo về tập trung tại khu vực chợ cũ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình). Đặc biệt, đoàn biểu tình đồng bào dân tộc thiểu số tại tổng Lạch (xã Lát, Lạc Dương) cũng kéo về Đà Lạt tham gia khởi nghĩa. Sau khi tổ chức mít tinh, đoàn biểu tình kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên và hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc chủ nghĩa!”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”. Trước sức mạnh của quần chúng, Tỉnh trưởng Ưng An hoảng sợ đem nộp con dấu, giấy tờ sổ sách cho Ủy ban khởi nghĩa. Đoàn biểu tình tiếp tục kéo đến chiếm đồn bảo an, làm chủ nhà thông tin, phá cửa nhà lao giải cứu những đồng chí, đồng bào đang bị giam cầm…
Ngày 24/8/1945, Nhân dân Đà Lạt tiếp tục biểu tình kéo đến Dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh (Dinh Tổng đốc Trần Văn Lý - tổng đốc bốn tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận). Trước sức mạnh của nhân dân, Tổng đốc Trần Văn Lý hoảng sợ, nộp ấn tín cho đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, các đoàn cán bộ đến tiếp quản các công sở.
Tối ngày 24/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa và những cán bộ tham gia khởi nghĩa họp đánh giá tình hình, đề ra một số công tác trước mắt và thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên, gồm 7 thành viên do ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch. Những ngày sau đó, Ủy ban Việt Minh tỉnh, các đoàn thể quần chúng, như Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và chính quyền cách mạng ở cơ sở được thành lập.
Đến ngày 28/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt đã thành công tốt đẹp. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Đà Lạt góp phần củng cố cho thành công của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp cả nước. Để rồi cùng với nhân dân mọi miền, nhân dân Đà Lạt vui mừng khôn xiết đón chào ngày Độc lập 02/9/1945, đánh dấu mốc son chói lọi mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Không gian trưng bày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lâm Đồng
Có thể khẳng định, cùng với cả nước, nhân dân Đà Lạt từ thân phận nô lệ đã trở thành người có quyền quyết định vận mệnh của mình. Thắng lợi này là thành quả lớn nhất của Đảng bộ và nhân dân Đà Lạt trong suốt những năm tháng đấu tranh gian khổ từ năm 1930 đến năm 1945. Cách mạng Tháng Tám là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và dựng xây quê hương Đà Lạt, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.
Hàng năm mỗi khi mùa Thu về, chúng ta lại có dịp hồi tưởng về những trang sử hào hùng của xứ sở Đà Lạt mộng mơ. Đến với Đà Lạt và ghé thăm Bảo tàng Lâm Đồng, du khách có thể cảm nhận không khí hào hùng năm nào khi tham quan phần trưng bày “Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”. Tại đây, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những hiện vật, hình ảnh, tư liệu về Cách mạng Tháng Tám lịch sử ở Đà Lạt, cũng như hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (tiền thân của tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Qua đó để chiêm nghiệm về một thời lịch sử hào hùng của cha ông, những người con Đà Lạt luôn cháy trong mình khát khao độc lập, tự do dân tộc. Cảm phục, tự hào truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước để chúng ta thêm trân trọng giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay và thôi thúc bản thân mỗi người luôn nỗ lực sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những thế hệ đi trước.
Hoàng Hiền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UBND TP Đà Lạt (2008), Địa chí Đà Lạt, NXB Tổng hợp TPHCM.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng (1995), Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Lâm Đồng.
3. UBND TP Đà Lạt (1993), Đà Lạt thành phố cao nguyên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (2008), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 - 1975).
5. Đà Lạt trong mùa Thu cách mạng (Báo Lâm Đồng): https://baolamdong.vn/xahoi/201609/da-lat-trong-mua-thu-cach-mang-2730985/
Tin mới
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
Các tin khác
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
- Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/05/2024 12:39
- Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền và 6 bức thư tuyệt mệnh - 13/04/2021 13:45