Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5 luôn là một ngày kỷ niệm đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Ngày này trên khắp mọi miền đất nước, mọi người đều thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tại Bảo tàng Lâm Đồng, sưu tập những hình ảnh, kỷ vật về Người không chỉ là sự tưởng nhớ công ơn to lớn của Người với lòng biết ơn sâu sắc, mà còn là sự nhắc nhớ về một tấm gương đạo đức sáng ngời.
Ảnh Bác Hồ và Thiệp chúc Tết, Xuân 1969 của Người
Đã 55 năm kể từ ngày Bác Hồ về với Các Mác, Lênin và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, nhưng sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người luôn là tấm gương sáng ngời, là kim chỉ nam trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Như lời khẳng định của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Hồ Chủ Tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Tại Bảo tàng Lâm Đồng, những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ luôn là những thứ quý giá, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian trưng bày. Ngay khi bước vào sảnh khánh tiết của Bảo tàng Lâm Đồng, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên bục cao với những đóa hoa sen bao quanh dưới chân. Hình ảnh Bác thật bình dị, nhân từ, thể hiện tình yêu sâu nặng của Người lúc sinh thời: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”; đồng thời cũng thể hiện tấm lòng hướng về Bác Hồ của đồng bào Tây Nguyên. Khi dừng chân tại phần trưng bày “Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Lâm Đồng”, công chúng sẽ được ngắm nhìn những hiện vật được sưu tầm từ các đồng chí tham gia cách mạng, các tập thể, cá nhân đã vô cùng trân trọng và gìn giữ những kỷ vật về Bác như báu vật, để trao lại cho Bảo tàng lưu giữ và giới thiệu tới công chúng.
Trước tiên có thể kể đến tấm ảnh Bác Hồ cắt ra từ báo LIFE (một tờ báo của Mỹ), được một cơ sở Đảng ở Đà Lạt dùng để động viên tinh thần và kết nạp đảng viên từ năm 1968 -1975. Bên cạnh đó là tấm thiệp chúc Tết của Bác nhân dịp Xuân 1969. Hai hiện vật đều đã sờn cũ, nhuốm màu thời gian, nhưng thắm đượm tình cảm sâu nặng của những người lưu giữ và giờ đây là những hiện vật vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Công chúng sẽ được quan sát những con tem, tấm ảnh nhỏ về Bác đã mòn góc, phai màu qua bao năm tháng. Một thời, những hình ảnh quý giá này về Bác chính là ngọn lửa thiêng của niềm tin và hy vọng được bao người nâng niu, gìn giữ và trao truyền. Trong tủ kính trưng bày, đó là những minh chứng rõ nét nhất để thấy, tuy chỉ là tấm ảnh nhỏ của Bác nhưng đã đem lại bao ý nghĩa to lớn, củng cố niềm tin về một tương lai tất thắng.
Hiện vật “Bản kẽm in ảnh Bác Hồ” là một kỷ vật đặc biệt mà Bảo tàng Lâm Đồng được nhận từ anh Bửu Đồng, một cán bộ Xưởng in Cục Bản đồ Đà Lạt. Được biết ngày 02/4/1975, khi cách mạng tiến quân vào tiếp quản thành phố Đà Lạt, trong đó có một đồng chí mang theo ảnh Bác Hồ in trên vải lụa. Với lòng kính yêu Bác Hồ, anh Bửu Đồng đã mượn bức ảnh Bác đem về. Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu giải phóng Đà Lạt, cán bộ và công nhân Xưởng in Cục Bản đồ Đà Lạt đã khẩn trương tạo bản kẽm để in ảnh Bác. Bản kẽm trên đã giúp in ra trên 10.000 bức ảnh Bác Hồ đầu tiên vào năm 1975 tại thành phố Đà lạt, đáp ứng mong mỏi mọi gia đình, đoàn thể, nơi nơi đều có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Có thể nói, kỷ vật “Bản kẽm in ảnh Bác Hồ” khẳng định thêm tình cảm của quân và dân Lâm Đồng đối với Bác. Chỉ cần liên quan đến Bác thì dù chỉ là một con tem nhỏ hay một bản kẻm lớn đều sẽ luôn được gìn giữ, trân quý bằng một niềm tin yêu, lòng thành kính và biết ơn vô bờ bến của nhân dân đối với vị lãnh tụ trọn đời vì nước, vì dân.
Hiện vật “Bản kẽm in ảnh Bác Hồ”
Với những kỷ vật về Bác Hồ được lưu giữ và trưng bày tại đây, Bảo tàng Lâm Đồng mong muốn sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi công chúng đến với Bảo tàng Lâm Đồng, lặng nhìn những kỷ vật gợi nhớ về Bác sẽ khơi dậy trong lòng mình tình yêu quê hương, đất nước và đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ xác định được trách nhiệm góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Người.
Hoàng Hiền
Tin mới
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
Các tin khác
- Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền và 6 bức thư tuyệt mệnh - 13/04/2021 13:45
- Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha - người cộng sản chân chính - 13/04/2021 13:31
- Bộ sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 28/05/2017 08:38
- Độc đáo sưu tập vật dụng sinh hoạt truyền thống của cư dân bản địa tại Bảo tàng Lâm Đồng - 23/02/2017 07:58
- Bộ sưu tập trang phục của 3 dân tộc bản địa Lâm Đồng - 05/04/2016 03:14