Giới thiệu một số trò chơi dân gian
Nhằm tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh và bổ ích đối với mọi người khi đến tham quan, nghiên cứu, Bảo tàng Lâm Đồng đã đưa khu trò chơi dân gian vào nội dung hoạt động của Bảo tàng. Với diện tích trên 800m2, các trò chơi dân gian được rải đều trong đồi thông mát rượi, giúp quý khách có những giây phút thư giãn, thoải mái khi tham gia các trò chơi.
Khách tham quan tham gia trò chơi "Cầu thăng bằng"
Các trò chơi dân gian trong khuôn viên Bảo tàng rất phong phú, hấp dẫn, dễ thao tác, chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo của người tham gia chơi, trong đó gồm các trò chơi:
- Ném còn (tung còn)
Ném Còn (tung Còn) là trò chơi điển hình trong mùa Xuân của nam, nữ thanh niên nhiều dân tộc ở vùng Tây Bắc Việt Nam (đăc biệt là dân tộc Tày, Nùng, Thái).
Quả Còn được khâu bằng vải nhiều màu, thành từng múi hình vuông như bánh chưng. Bên trong đựng thóc, gạo, ngô, đậu; nặng 0,2 đến 0,3 kg. Nối vào rốn quả còn là 1 sợi dây vải dài 0,4 đến 0,5m, có tua vải, màu sắc sặc sỡ. Người chơi cầm đuôi sợi dây còn đánh cho quả còn xoay tít trên tay rồi thả quả còn theo quán tính cho bay vào trúng đích, là một vòng tròn được buộc trên cột cao.
Có 2 lối chơi; lối chơi mang tính nghi lễ nông nghiệp trong hội cầu mùa và lối chơi giải trí.
Ném còn là trò chơi giải trí của các đôi trai gái hoặc từng nhóm trai gái ném cho nhau bắt trong hội xuân mang ý nghĩa giao duyên, tình tự.
- Đánh đu
Đánh đu là trò chơi dân gian mang tính văn hóa - thể thao, thường tổ chức vào dịp Tết hay lễ hội của nhiều dân tộc ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Có nhiều loại đu, như: đu bay, đu bát tiên… Vào những ngày đó, các làng thường trồng cây đu ở giữa thửa ruộng hoặc bãi đất phẳng gần đình, chùa. Chơi đu thường 1 nam và 1 nữ, hai người bước lên bàn đu, đối mặt vào nhau rồi nhún chân, hòa nhịp tạo nên sự cộng lực đưa đu dao động từ thấp lên cao dần. Càng nhún mạnh, nhún đều, đu càng bay bổng.
Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện và giải trí, còn là dịp để trai gái giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau, nhất là trong những ngày hội làng và những dịp xuân về.
- Bắn nỏ
Trong các ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, bên cạnh những trò chơi như tung còn, bập bênh, bịt mắt đánh cồng…, thì bắn nỏ là một trò chơi khá hấp dẫn.
Nỏ được làm bằng gỗ tốt, dây nỏ thường được làm bằng vỏ lụa của một loại cây rừng dẻo dai và có tính đàn hồi. Mũi tên làm bằng tre. Đồng bào thường mang theo nỏ mỗi khi đi rừng để săn thú, do đó các cụ già, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số rất thành thạo bắn nỏ.
Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số và được nhiều thanh niên nam, nữ ham thích. Vì vậy, trong thể thao các dân tộc, môn bắn nỏ được đưa vào là môn thi chính thức.
Ngoài ra, quý khách còn tham gia các trò chơi khác như: Bịt mắt đánh chiêng, cầu bệp bênh, ném banh vào chóe…