Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Giới thiệu chung

Bảo Tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm các phần chính như:

Lịch sử hình thành

Ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất, công tác bảo tồn, bảo tàng ở Lâm Đồng đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tháng 8/1975, bộ phận Bảo tồn - Bảo tàng được thành lập, trực thuộc Thành ủy Đà Lạt - với nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và bảo quản những hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh.

MORE:
Cơ cấu tổ chức Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng được thành lập từ những ngày đầu giải phóng, trải qua hơn 40 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ và nhân viên của bảo tàng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ cán bộ, viên chức không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đảm đương tốt công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.

MORE:
Tìm hiểu về một hiện vật máy sưởi điện trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng

Đà Lạt - viên ngọc quý trên miền cao nguyên Lâm Viên, được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn đới độc đáo, nhờ đó sở hữu những hình ảnh mang đậm đặc trưng của xứ lạnh ngàn thông, đi vào ký ức của bao thế hệ. Bên cạnh hình ảnh những bộ trang phục ấm áp là hình ảnh những chiếc lò sưởi quen thuộc trong những ngôi biệt thự cổ kính. Đến với phần trưng bày “Đà Lạt xưa” tại Bảo tàng Lâm Đồng, du khách còn được tìm hiểu về chiếc máy sưởi điện được một gia đình ở Đà Lạt sử dụng, mang theo ký ức một thời của “miền đất lạnh”.

Khai mạc triển lãm và các hoạt động trong chuyến công tác tại Côn Đảo của Bảo tàng Lâm Đồng thành công tốt đẹp

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, khai mạc Triển lãm “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và các hoạt động trong khuôn khổ triển lãm giữa Bảo tàng Lâm Đồng và Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành công tốt đẹp.

Chương trình giáo dục, trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ” tại Bảo tàng Lâm Đồng

Thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21 tháng 3 năm 2024, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp cùng Trường THCS-THPT Chi Lăng thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ”.

Kỷ vật lao tù: Câu chuyện về chiếc lon Guigoz

Hiện vật lon Guigoz trưng bày tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Cô sinh ra và lớn trên quê hương cách mạng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình cô có tám anh chị em, trong đó có sáu người tham gia cách mạng từng bị địch bắt tù đày tại các nhà tù: Hội An (Quảng Nam), Kho Đạn (Đà Nẵng), Chí Hòa (Sài Gòn), Tân Hiệp (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai người thân của cô hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh tàn khốc, địch càn quét liên miên, đánh phá ác liệt. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, cô tham gia cách mạng năm 1970, khi mới 11 tuổi. Thời gian đó, địch càn quét dữ lắm, nhiều cơ sở của ta bị lộ, nhiều anh chị em bị địch bắt, tù đày. 

Năm 1971, từ cơ sở cách mạng bị lộ, địch thu được thư từ, tài liệu và chúng tìm đến tận trường học Ánh Sáng (Hòa Khánh) để bắt cô, lúc đó đang học lớp 7, với tội danh “cơ sở nội thành”. Cô bị thẩm vấn, hỏi cung và giam giữ tại Chi cảnh sát huyện Duy Xuyên, kêu án tại Tòa án tỉnh Quảng Nam đóng tại Hội An, sau đó giam ở nhà lao Hội An.

Năm 1972, cô cùng nhiều anh chị em tù thiếu nhi bị địch đưa vào Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Hành lý cô mang theo khi đó có cái lon Guigoz và sau này nó trở thành vật dụng hữu ích và thân thiết.

 Lon Guigoz Cuu tu Huynh Yen Tram My

Cô Huỳnh Yên Trầm My (người bên phải)

trong thời gian bị giam tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Bất chợt cô quay sang và hỏi tôi: “Cháu có biết xuất xứ của chiếc lon Guigoz này không?”. Tôi khẽ lắc đầu: “Dạ không ạ!”.
Loại sữa Guigoz của Hà Lan được nhập cảng vào Việt Nam nhiều nhất sau khi người Pháp trở lại Việt Nam vào những thập niên 50 của thế kỷ XX. Vào thời ấy, loại sữa này không đắt lắm, một công chức bình thường ở miền Nam cũng có thể nuôi con bằng loại sữa này. Loại sữa bột này phổ biến đến nỗi hầu như gia đình trung lưu nào cũng nuôi con bằng sữa Guigoz và những chiếc vỏ lon Guigoz dày dặn, với dung tích 0.75l, có chiều cao 16cm, đường kính 9cm, không gỉ sét, được các bà, các mẹ tận dụng để đựng thực phẩm ở trong bếp, có khi là đường, ớt, tiêu, hành khô, hay các thức ăn khô.

Chiếc lon Guigoz còn được các anh chị em tù nhân sử dụng rất phổ biến vì tiện dụng. Trong thời gian bị địch giam giữ, cô đã dùng lon Guigoz này để đựng cháo, đựng nước để dành uống, rửa mặt, đánh răng... Mỗi lần di chuyển nhà lao, lon Guigoz được dùng để đựng những vật dụng dễ bị thất lạc như chỉ thêu, kim đan, cây móc, cục len, mảnh vải thêu…

Tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, chị em nữ tù khi ấy không thể nào quên kỷ niệm về những chiếc lon Guigoz muối ớt. Cô kể: Hồi ở nhà tù Đà Lạt, cái lạnh cái đói theo tù thiếu nhi như hình với bóng. Vậy mới có chuyện các anh ăn mối, ăn chuột cho… có chất thịt. Đó là lần các anh ăn cả chuột chù dù hôi không chịu nổi, nhả thì tiếc đành cố nhắm mắt nuốt cho đỡ đói vì nghĩ “thịt gì cũng là thịt” và đã là thịt thì sẽ có chất. Hay có lần ăn phải rau ngứa mà cứ tưởng là cây ngâu tây (còn gọi cây hoa ngâu, là loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh từ hoa, lá, thân, cành, rễ…), để rồi móc họng muốn chảy máu mà vẫn không hết ngứa, đầu thì choáng váng như say rượu!

Ngày ấy, để chống lại cái đói, cái lạnh của những đêm dài như vô tận ở nhà lao, các anh còn nghĩ ra một cách khác, đó là cùng bày ra một trò chơi… Như thế vừa vui, vừa đẩy thời gian đi nhanh hơn một chút. Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, đến phiên người nào, người ấy phải kể những món đặc sản quê mình để cả phòng cùng “thưởng thức”, ai đưa ra “bảng thực đơn” vừa nhiều món, vừa ngon sẽ là người thắng cuộc. Hết đêm này đến đêm khác, bảng thực đơn cứ thế dài ra…

Với các chị em, để chống lại cái đói khủng khiếp trong chốn lao tù, mọi người cũng đã tìm ra một cách thực tế hơn. Dù không được “thưởng thức” các món đặc sản như các anh, mà các chị ăn thật chứ không chỉ “hương hoa”. Tính phụ nữ vốn lo xa, trong hành trang đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nhiều người đã chuẩn bị cho mình một lon Guigoz muối ớt, nếu dè xẻn thì cũng dùng được cả năm trời…

Như một phản ứng dây chuyền, vào những đêm lạnh buốt, khoảng 8 giờ tối, những chiếc nắp lon Guigoz lần lượt mở ra… Sau một hồi lắc nhẹ và đều, ớt sẽ nổi lên trên mặt lon, “nhón” lấy bỏ miệng nhai. Vị mặn của muối, vị cay của ớt làm cho “vị giác” tê tê. Nhâm nhi chừng non phân nửa muỗng cà phê, uống một ly nước, như thế là yên tâm đi vào giấc ngủ. Vị cay cay, mằn mặn của món ăn khuya ấy, tới giờ chị em tù thiếu nhi Đà Lạt vẫn không thể nào quên.

Còn rất nhiều điều mà tôi muốn hỏi cô về những kỷ vật lao tù, về những chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi kiên cường, bất khuất của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy, nhưng thời gian có hạn, đành phải tạm biệt cô.

Chia tay người nữ cựu tù thiếu nhi trong buổi chiều Đà Lạt se lạnh, lòng tôi chợt bùi ngùi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ vật về một thời hào hùng vẫn sống mãi với thời gian.

Lê Thị Hiền