Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Giới thiệu chung

Bảo Tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm các phần chính như:

Lịch sử hình thành

Ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất, công tác bảo tồn, bảo tàng ở Lâm Đồng đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tháng 8/1975, bộ phận Bảo tồn - Bảo tàng được thành lập, trực thuộc Thành ủy Đà Lạt - với nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và bảo quản những hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh.

MORE:
Cơ cấu tổ chức Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng được thành lập từ những ngày đầu giải phóng, trải qua hơn 40 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ và nhân viên của bảo tàng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ cán bộ, viên chức không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đảm đương tốt công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.

MORE:
Tìm hiểu các bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong cung vua Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng

Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, với 143 năm tồn tại (1802-1945). Trải 13 đời vua trị vì qua những thời điểm thăng trầm khác nhau, triều Nguyễn đã để lại cho hậu thế nhiều di sản văn hóa có giá trị, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, hay Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Bên cạnh đó, triều Nguyễn cũng để lại rất nhiều hiện vật hoàng cung độc đáo, trong đó có các hiện vật “văn phòng tứ bảo”, mà hiện nay Bảo tàng Lâm Đồng may mắn được bảo tồn và giới thiệu đến công chúng.

Khai mạc triển lãm và các hoạt động trong chuyến công tác tại Côn Đảo của Bảo tàng Lâm Đồng thành công tốt đẹp

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, khai mạc Triển lãm “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và các hoạt động trong khuôn khổ triển lãm giữa Bảo tàng Lâm Đồng và Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành công tốt đẹp.

Chương trình giáo dục, trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ” tại Bảo tàng Lâm Đồng

Thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21 tháng 3 năm 2024, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp cùng Trường THCS-THPT Chi Lăng thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ”.

“Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng”

Di tích Cát Tiên đã được công nhận là di tích Quốc gia năm 1997 và di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Cho đến nay, hơn 30 năm sau ngày phát hiện, khai quật và nghiên cứu, nhiều vấn đề khoa học về di tích này vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng như: niên đại và tiến trình phát triển của di tích, chức năng của từng kiến trúc trong quần thể; chủ nhân của di tích, mối quan hệ giữa Văn hóa Cát Tiên với Văn hóa Phù Nam (Óc Eo) và Văn hóa Champa; mối quan hệ giữa chủ nhân di tích với cộng đồng cư dân bản địa vùng Nam Tây Nguyên…

Di tích đã được quy hoạch bảo tồn và quảng bá phát huy giá trị, tuy nhiên, hiện trạng khu di tích và công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế: tình trạng di tích đang dần xuống cấp do tác động của môi trường khí hậu, tình trạng gạch sau khai quật bị mục, tự phân rã; hệ thống các mái che tạm hiện trường di tích đang bị xuống cấp… Làm cho việc bảo quản, bảo tồn nguyên trạng di tích gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề cấp thiết để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo tồn di tích Cát Tiên là phải nghiên cứu tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Được sự quan tâm của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng vấn đề trên đã được đưa vào chương trình đầu tư nghiên cứu và giao cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng”. Đây là một đề tài mang tính ứng dụng, đưa ra các giải pháp, phương pháp khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đề tài đi sâu vào nghiên cứu giá trị Lịch sử – Văn hóa của di tích, từ đó đặt ra các giải pháp kỹ thuật bảo tồn và phục chế, số hóa, tái hiện hình ảnh của di tích bằng công nghệ 3D, phục dựng một số lễ hội phục vụ công tác nghiên cứu, tham gia giáo dục và phát triển du lịch. Xây dựng định hướng các giải pháp phát huy giá trị di tích giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030.

Đề tài đã được tiếp cận liên ngành dưới nhiều góc độ như: Khảo cổ học, Dân tộc học, Lịch sử – Văn hóa học, Kiến trúc; Kinh tế – Du lịch… nhằm nghiên cứu toàn diện các giá trị của khu di tích, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Nhóm nghiên cứu đề tài đã sử dụng các phương pháp như: Điền dã dân tộc học, sưu tầm các tư liệu văn hóa bản địa, gửi mẫu phân tích phương pháp C14; nghiên cứu so sánh, số hóa, phục dựng, phác họa mô hình 3D các kiến trúc đền tại di tích. Trong 2 năm từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2017, nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu khoa học tại hiện trường di tích và vùng phụ cận. Nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát thực tế, nghiên cứu so sánh sự tương đồng của di tích khảo cổ Cát Tiên với các di tích Champa tại các tỉnh duyên hải Miền Trung và các di tích Phù Nam – Óc Eo ở Nam Bộ. Đồng thời nhóm nghiên cứu đã tổ chức 03 cuộc hội thảo khoa học: “Di tích khảo cổ học Cát Tiên – 30 năm nhìn lại” (11/2015); “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên” (5/2016); “Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên trong chiến lược phát triển kinh tế – văn hóa xã hội của vùng đất Đông Nam Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 2030” (12/2016). Cùng với 34 chuyên đề nghiên cứu về giá trị lịch sử – văn hoá của di tích, các mô hình đồ họa hình khối kiến trúc, giải pháp kỹ thuật bảo tồn, giải pháp phát huy giá trị di tích trong quảng bá và khai thác du lịch, giải pháp phục dựng một số lễ hội gắn với di tích, file mềm số hóa phục hồi hình khối các hạng mục kiến trúc và sử dụng phương pháp ngoại suy tổng thể kiến trúc bằng số hóa.

Cấu trúc của đề tài gồm ba chương:

Chương 1: Giá trị Lịch sử – Văn hóa di tích khảo cổ học Cát Tiên: Tổng hợp những thành tựu nghiên cứu về Cát Tiên, đồng thời đưa ra những nhận định, đánh giá mới trong bối cảnh hiện nay. Nghiên cứu mối quan hệ giữa di tích Cát Tiên với Văn hóa Champa, Phù Nam và Ấn Độ.

Chương 2: Các giải pháp bảo tồn di tích khảo học cổ Cát Tiên: đưa ra các phương pháp xác định hình khối kiến trúc trong phục hồi di tích khảo cổ học Cát Tiên theo nguyên tắc tổ hợp không gian di tích tiến tới xác định tái lập hình khối kiến trúc tại di tích bằng kỹ thuật số. Đưa ra các giải pháp kỹ thuật để bảo tồn di tích như biện pháp xử lý bề mặt khối kiến trúc đang bị tác động bởi các yếu tố môi trường, các nguyên nhân tác động bên trong khối kiến trúc, giải pháp thoát nước tại các gò di tích.

Chương 3: Phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn 2030. Đề xuất các giải pháp phát huy giá trị di tích khảo cổ học cát Tiên trong không gian văn hóa bản địa và khu vực phụ cận; các giải pháp phát huy giá trị di tích gắn với kinh tế – văn hóa, du lịch của vùng đất Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giai đoạn 2015 – 2020 tầm nhìn 2030. Đưa ra các bản đồ, hình ảnh, bảng biểu số liệu được lồng ghép, phân tích tại các trang viết làm nổi bật các luận cứ khoa học và đồng thời làm cho người đọc hiểu và hình dung tốt hơn những vấn đề lý thuyết được trình bày trong đề tài.

Có thể nói: Đề tài nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng là một công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có giá trị thực tiễn và rất ý nghĩa với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích khảo cổ học Cát Tiên trong hiện tại và tương lai. Đây là một công trình nghiên cứu ứng dụng đầu tiên đối với di tích, đưa ra nhiều giải pháp đáp ứng được một số yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo quản, giữ gìn hiện trường di tích sau khai quật, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy giá trị di tích trong bối cảnh di tích khảo cổ học đang được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như : Nhà trưng bày, bãi đỗ xe, và công viên di tích. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên là tài liệu khoa học ứng dụng, là căn cứ khoa học giúp cho các nhà quản lý, nhà chuyên môn lập các dự án thành phần nhằm bảo tồn cấp thiết hiện trường di tích, cũng như các dự án quảng bá phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng xứng tầm là di tích Quốc gia đặc biệt.

Từ những thành công bước đầu của công trình nghiên cứu ứng dụng này, hy vọng trong tương lai, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng quan tâm hơn nữa trong công tác đầu tư nghiên cứu khoa học về di tích khảo cổ học Cát Tiên; nhóm nghiên cứu đề tài của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các đề tài ứng dụng khác, giúp cho di tích khảo cổ học Cát Tiên phát triển thành một trung tâm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khách tham quan trong và ngoài nước. Góp phần vào phát triển kinh tế văn hóa – xã hội của ba huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng.

Lương Nguyên Minh

Nguyên Trưởng ban quản lý di tích Cát Tiên