Bài viết
Các hình thức ngược đãi tù nhân thiếu nhi tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nhà tù độc nhất vô nhị tại Việt Nam và có lẽ chưa từng có trên thế giới. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi tìm hiểu về nhà lao này đã nhận xét: “Tôi đã đọc nhiều và nghe nhiều chuyện kể về chế độ nhà tù khắc nghiệt dã man của Mỹ ngụy… Điều tôi không ngờ và chắc ít người biết là trong thế giới địa ngục trần gian ấy lại có một loại nhà lao dành cho thiếu nhi…”. Chúng ta có thể thấy “sự khắc nghiệt dã man” được tái hiện sinh động qua hình ảnh, tư liệu, hiện vật và những mô hình phục dựng tại Di tích quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Qua đó, chúng ta càng trân trọng công lao to lớn của các thế hệ cha anh để đất nước có được nền độc lập, thống nhất và cuộc sống yên bình hôm nay.
Khách tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1971 - 1973, nhưng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi yêu nước ở độ tuổi từ 12 đến 17, tập trung về từ khắp các nhà tù ở niềm Nam lúc bấy giờ, như Chí Hòa, Côn Đảo, Thủ Đức, Tân Hiệp, Kho Đạn, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trông vào như một tòa biệt thự chữ A, tại đồi Chi Lăng, Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức (địa chỉ hiện nay: số 9A, đường Hồ Xuân Hương, phường 9, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Nhà lao này mang danh nghĩa là “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. Bộ máy tổ chức của “Trung tâm” lúc bấy giờ có 5 ban, đứng đầu là Ban quản đốc, kế tới là Ban an ninh, Ban cải huấn, Ban giám thị, Ban hướng nghiệp. Nơi giam giữ tù nhân chia làm hai khu với 8 phòng giam chung, gồm 2 phòng giam tù nhân nữ và 6 phòng giam tù nhân nam. Đặc biệt, nhà lao có 3 khu biệt giam xà lim và một hầm đá. Nhà lao được canh phòng nghiêm ngặt trong hệ thống hàng rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp, các tháp canh.
Mô hình tái hiện cảnh tù nhân nữ trong một góc phòng giam
Ngay từ khi chuyển về đây, địch đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn hòng “gột rửa tư tưởng cộng sản” của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, từ dụ dỗ, mua chuộc, tuyên truyền về “tính ưu việt” của chế độ Việt Nam Cộng hòa, nói xấu cách mạng, đến hành hạ, tra tấn, đàn áp tù nhân thiếu nhi. Đánh bằng roi sắt, roi điện, gậy hướng đạo, hay treo ngược lên xà nhà, dí bóng điện nóng vào mặt, dội nước lạnh hàng đêm, biệt giam trong xà lim,“phơi sương” trong hầm đá là những hình thức ngược đãi dã man tù nhân thiếu nhi mà nhà lao đã sử dụng.
Hơn 600 tù nhân thiếu nhi yêu nước tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được sàng lọc để đối xử bằng những hình thức và mức độ khác nhau. Nhẹ thì giam tập thể, nặng hơn thì biệt giam trong các xà lim, còn đối tượng đặc biệt “sừng sỏ, cứng đầu” thì giam vào hầm đá. Ở các xà lim và hầm đá, địch lại áp dụng các hình thức hành hạ khác nhau. Xà lim tiếp giáp với khu giam nữ tù nhân là nơi đã từng giam cầm những anh chị em chống chào cờ, chống nội quy, chống đàn áp, diệt ác... Trong những buồng xà lim chật hẹp, tối tăm, ẩm ướt, lạnh lẽo, tù nhân thiếu phải ăn, vệ sinh chung tại chỗ. Cựu tù Trần Lịch, một trong những chiến sĩ chống chào cờ quyết liệt nhất, hồi tưởng: “Tôi bị biệt giam ở xà lim cuối dãy giam các chị em nữ. Trong buồng giam chưa đầy 2m2, gần như chẳng biết đến ngày và đêm, không gian lúc nào cũng ẩm ướt, hôi hám. Mỗi ngày được 1 - 2 vắt cơm lọt trong lòng bàn tay cùng mấy hạt hột rắc lên phía trên và một ca nước nhỏ… Một ngày phải chịu vài trận đòn, khi thì roi sắt, khi thì roi điện, roi kẽm gai, cùi chỏ hay giày đinh… Hết ngất đi lại tỉnh dậy…”.
Bức tranh mô tả cảnh tù nhân nam bị đáng đập tại xà lim
Trong các xà lim, ngoài đánh đập tù nhân, cai ngục và trật tự còn dùng nhiều hình thức hành hạ rất dã man, như dội nước lạnh hàng đêm, hay ấn bóng điện nóng vào mặt. Đà Lạt lúc bấy giờ, cái lạnh khắc nghiệt là nỗi ám ảnh đối với tù nhân thiếu nhi. Khi đêm khuya nhiệt độ xuống dưới 100C, buồng xà lim ẩm ướt và nhớt nháp, tù nhân thân thể đã mang đầy vết đòn roi đau đớn, nhức nhối, còn thường xuyên bị cai ngục dùng những xô nước lạnh dội vào người. Trước tình cảnh bi đát này, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi chỉ biết dựa vào nhau để cùng sưởi ấm cho nhau, động viên nhau vượt qua thử thách.
Mô hình tái hiện cảnh tù nhân nam tại xà lim bị dội nước giữa đêm
Có lần, cai ngục lại còn dùng bóng điện nóng ấn vào mặt của tù nhân thiếu nhi. Điều này khiến ta hình dung đến cảnh tù nhân chịu hình phạt “thiết” thanh sắt nung đỏ vào mặt ở thời trung cổ. Da thịt tuy bị hủy hoại, đau đớn tột cùng, nhưng “Căm hờn luyện một con tim/ Lửa vung luyện thép, xà lim luyện người”, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi vẫn kiên cường chịu đựng.
Mô hình tái hiện cảnh tù nhân nam tại xà lim bị dí bóng điện nóng vào mặt
“Phơi sương” trong hầm đá, là hình thức tra tấn dường như chỉ có tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Hầm đá có diện tích khoảng 20m2, bốn bên tường xây bằng đá chẻ, phía trên không có mái che, chỉ có kẽm gai ken dày ngăn không cho tù nhân vượt ngục. Tù nhi bị giam trong hầm đá, trên người chỉ mặc độc chiếc quần cộc, chân tay bị còng chéo vào nhau. Khi màn đêm buông xuống, sương giăng kín không gian, trong cái lạnh buốt da thịt, tù nhân thân thể chằng chịt những vết đòn roi càng thêm đau đớn vô cùng.
Mô hình tái hiện cảnh một tù nhân nam bị biệt giam trong hầm đá
Có thể nói, trong chiến tranh Việt Nam, kẻ địch đã sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc và những hành động tàn bạo hòng đè bẹp ý chiến đấu của lực lượng cách mạng thiếu nhi miền Nam, nhưng các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi vẫn một lòng kiên trung hướng về Đảng, về Bác Hồ với niềm tin tưởng mãnh liệt vào ngày toàn thắng. Tinh thần đấu tranh anh dũng, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã khiến kẻ địch phải đầu hàng. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức bị xóa sổ vào tháng 6 năm 1973 và địch đã chuyển các tù nhân nơi đây về giam tại các nhà lao ở miền Nam lúc bấy giờ. Ngày nay, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trở thành một địa chỉ đỏ trên thành phố hoa Đà Lạt, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của lòng yêu nước, tinh thần tuổi trẻ bất khuất mà các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã nhen nhóm và trao truyền.
Lê Thị Hiền
Các tin khác
- “Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về tập thể tù thiếu nhi của chúng ta!” - 27/06/2024 01:42
- Sự kiện diệt ác - 07/11/2023 03:59
- Tinh thần bất khuất của tù nhân thiếu nhi qua kỷ vật của cựu tù Trần Phi Hùng - 27/10/2023 07:39
- Lễ kết nạp Đội TNTP Hồ Chí Minh tại địa chỉ đỏ - Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 27/02/2023 09:53
- Liệt sỹ, Anh hùng LLVT Trần Bình - Người chiến sỹ ngoan cường, dũng cảm - 27/07/2022 01:19