Bài viết
Di tích khảo cổ Cát Tiên – Dấu ấn của Ấn Độ giáo trên vùng cao Nam Tây nguyên
Di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện từ những thập niên 80 của thế kỷ XX. Đây được coi là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Di tích này chịu ảnh hưởng của đạo Hindu (Ấn Độ) khá sâu sắc.
Như chúng ta đã biết, Hindu giáo là một tôn giáo cổ xưa được hình thành khá sớm ở Ấn Độ, từ đầu công nguyên, nền văn hóa Ấn Độ đã có ảnh hưởng trên một vùng khá rộng lớn trong đó có khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Bằng chứng là ở Việt Nam phát hiện và khai quật được hàng loạt các công trình kiến trúc tôn giáo lớn như: Óc Eo, Champa, Cát Tiên,… đều mang ảnh hưởng của đạo Hindu giáo (Ấn Độ).
Với việc phát hiện di tích khảo cổ này, trong suốt gần 40 năm qua kể từ ngày di tích được phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Từ những địa điểm có dấu hiệu di tích, hàng loạt các đợt khai quật liên tiếp thực hiện: 1994, 1996, 2000 – 2001, 2003, 2006, 2020 - 2021… diện mạo của di tích dần dần được lộ diện với những loại hình kiến trúc, xuất hiện với mật độ đậm đặc tại một địa bàn: đền thờ, đền mộ, nhà dài, hệ thống máng nước Somasutra, đường đá cổ, hệ thống đường nội bộ nối các điểm di tích, khu lò gạch cổ…
Khu lò gạch cổ (nguồn: Bảo tàng Lâm Đồng)
Việc xuất hiện những kiến trúc có quy mô lớn, nhiều cụm kiến trúc liên hoàn có sự tương hỗ lẫn nhau với nhiều công năng sử dụng khác nhau, xuất hiện với tần suất dày đặc tại một khu vực là bồn địa xã Quảng Ngãi (Cát Tiên), rải rác ở các vị trí khác (xã Đức Phổ, xã Gia Viễn huyện Cát Tiên) trên chiều dài 15km nằm trong bồn địa rộng hàng trăm hecta. Bao quanh là những ngọn đồi bát úp chạy theo hình cánh cung. Trên thực tế, phạm vi phân bố của di tích Cát Tiên còn có thể rộng hơn, dài hơn theo dòng chảy của sông Đồng Nai. Bởi tại di chỉ Đạ Lắk thuộc rừng cấm Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) cũng đã phát hiện dấu vết của những kiến trúc gạch đá như vậy nằm trong rừng già. Di tích nằm trên một vị trí địa lý khá đặc biệt thỏa mãn yêu cầu khắt khe của đạo Hindu giáo Ấn Độ: Một bên là dãy núi hình cánh cung tượng trưng cho núi Meru, một bên là dòng sông Đồng Nai tượng trưng cho sông Hằng (Ganga).
Tại di tích Cát Tiên có đầy đủ các loại hình kiến trúc để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Việc phát hiện các kiến trúc đền thờ: kiến trúc số 1A, 2A, 2B, 3, 4, 6A, 6B, 7, 8A; ngoài ra còn có các đền thờ phụ; kiến trúc đền mộ: kiến trúc số 5; kiến trúc nhà dài: kiến trúc 2C, 2D, 8B, 8C, và một hệ thống đường nội bộ, khu lò gạch ... có những cụm kiến trúc được xây dựng trên diện tích hàng ngàn mét vuông.
Cụm kiến trúc số 2
Với một quần thể kiến trúc quy mô khá rộng lớn, hoàn chỉnh như vậy, chủ nhân của di tích phải có một tiềm lực kinh tế - chính đủ mạnh mới có thể xây dựng được những công trình hoành tráng, bề thế đến vậy. Hơn thế, các kiến trúc đền đài ở Cát Tiên được xây dựng bằng một khối lượng gạch đá khổng lồ, thời kỳ đó chưa có sự hỗ trợ của các phương tiện vận chuyển như hiện nay, cũng cần phải có một lực lượng tín đồ “đông đảo” mới có thể vận chuyển vật liệu đủ để xây các công trình "vĩ đại" như thế. Mặc dù vật liệu chính để xây dựng đền là gạc) được sản xuất tại địa phương, tuy nhiên, nhiều những phiến đá lớn phát hiện tại các điểm kiến trúc được sử dụng lại không có sẵn tại địa phương. Câu hỏi đặt ra: chủ nhân xưa đã vận chuyển những phiến đá đó như thế nào từ nơi khai thác để đưa tới các điểm kiến trúc? Hay ai là chủ nhân xây dựng nên những công trình kỳ vĩ như vậy? Bây giờ những người đó họ đã đi đâu, về đâu? Đến nay, nhiều câu trả lời liên quan đến di tích khảo cổ Cát Tiên mới chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Chúng ta vẫn chưa tìm ra những căn cứ xác đáng để trả lời cho những câu hỏi nêu trên.
Hàng loạt các cuộc khai quật cho chúng ta thấy rằng các kiến trúc tại đây được xây dựng để thờ các vị thần Ấn Độ giáo, mà điển hình nhất là việc thờ ngẫu tượng Linga – Yoni. Việc phát hiện một bộ sưu tập Linga – yoni (gồm 31 hiện vật bao gồm hiện vật phát hiện khai quật, thám sát, và hiện vật sưu tầm tại Cát Tiên) biểu tượng thờ chủ đạo trong các ngôi đền với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau (Bộ linga - Yoni đá phát hiện tại kiến trúc 1A lớn nhất Đông Nam Á; Linga nhỏ bằng vàng phát hiện tại các trụ giới trong đền thờ) và bằng nhiều chất liệu khác nhau (Đá, đá quý, vàng, bạc, đồng, gốm) cũng đã nói lên điều đó. Linga được thể hiện đầy đủ ba phần (vuông, bát giác, trụ tròn tượng trưng cho ba vị thần Brahma, Visnu, Siva), Linga hai phần (Visnu – Siva) hoặc Linga một phần (Siva) đều được thể hiện khá đầy đủ tại di tích này. Linga mang tính dương, yoni mang tính âm thể hiện tính phồn thực sinh sôi, nảy nở. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của những cư dân nông nghiệp: luôn cầu mong cho mùa màng bội thu, con người sinh con cháu đông đúc.
Cùng với đó là bộ sưu tập trên 400 hiện vật vàng có giá trị được tìm thấy trong các đợt khai quật, với những đề tài trang trí khác nhau: động vật (thể hiện dưới dạng vật cưỡi của các vị thần như: Nadin, Hamsa, Kuma, Garuda, ...), hoa lá, nhưng chủ đạo vẫn là hình ảnh các vị thần của đạo Hindu giáo như: Brahma, Visnu, Siva, Laskmi, Ganesa, Indra,… Những hiện vật vàng có thể khắc chìm hoặc chạm nổi với đường nét từ gồ ghề, thô sơ trong kỹ thuật chạm khắc đến những đường nét sắc sảo, khỏe khoắn và mềm mại, sống động thông qua nghệ thuật tạo hình chạm nổi. Dù mỗi vị thần có những hình thức thể hiện khác nhau nhưng thông qua những hiện vật đó các vị thần được hiện lên vô cùng sinh động trong thế giới của các thần linh.
Với quy mô di tích rộng lớn, nhiều loại hình kiến trúc cùng với bộ sưu tập hiện vật phong phú, đa dạng đã phát hiện tại đây. Chúng ta có thể khẳng định: Di tích Cát Tiên chính là một di tích lớn mang ảnh hưởng của Ấn Độ giáo trên vùng đất phía Nam. Với sự tồn tại của di tích này, cùng với việc phát hiện các di tích khác cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Hindu giáo Ấn Độ đã chứng tỏ sự phát triển rực rỡ vươn tầm châu lục của mình, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ suốt một thời kỳ lịch sử.
Đinh Chung
Tin mới
- Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên - 26/02/2024 03:08
- Vài nét về thần Surya tại Di tích khảo cổ Cát Tiên - 13/11/2023 01:39
- Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 08/11/2023 07:58
- Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên - 07/09/2023 08:07
- Tượng Ganesa tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 30/09/2022 07:20
Các tin khác
- Giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN - ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG, HẤP DẪN - 13/06/2022 07:10
- Những đánh giá của du khách khi tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên - 10/08/2021 06:41
- Mối liên hệ giữa hình tượng hoa sen trong văn hóa Ấn Độ giáo đến hình tượng hoa sen được sử dụng tại Thánh địa Cát Tiên - 14/07/2021 02:43
- LƯỢC VỀ THẦN TÍCH HINDU GIÁO VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI CÁC HÌNH TRANG TRÍ TÌM ĐƯỢC Ở CÁT TIÊN - 27/05/2019 02:59
- Di tích khảo cổ Cát Tiên: Một số giải pháp bảo tồn, tôn tạo tại di tích - 22/05/2019 08:37