Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Di tích khảo cổ Cát Tiên: Một số giải pháp bảo tồn, tôn tạo tại di tích

Di tích khảo cổ học Cát Tiên được phát hiện năm 1985, sau nhiều đợt khai quật, nghiên cứu cho thấy “Cát Tiên có niên đại sớm hơn – có thể được khởi đi từ thế kỷ thứ IV và kết thúc khoảng thế kỷ thứ VIII.” (PGS.Bùi Chí Hoàng - Hội thảo khoa học Di tích khảo cổ Cát Tiên lần II năm 2008). Tất cả các công trình kiến trúc được khai quật tại di tích đều đã bị sụp đổ chỉ còn phần móng và một đoạn thân kiến trúc.

Sau thời gian khai quật xuất lộ di tích kiến trúc, Ban quản lý di tích Cát Tiên (nay là Bảo tàng Lâm Đồng) đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo quản di tích, tuy nhiên đây là di tích kiến trúc đã bị “lãng quên” và “chôn vùi” trong lòng đất hơn một ngàn năm, hiện di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn tường gạch bị mục hoặc rã mạch (hoàn thổ) dẫn đến nguy cơ sụp đổ.

Do vậy, vấn đề bảo tồn, tôn tạo là giải pháp cấp thiết để giữ lại những kiến trúc quý giá đó. Công việc này đòi hỏi phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của nhà nước (theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích). Và tuân thủ theo các nguyên tắc, đặc biệt là trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc của di tích. Đối với di tích khảo cổ Cát Tiên tất cả các kiến trúc đều đã bị sụp đổ, cần bảo tồn gia cố những mảng tường còn nguyên vẹn hoặc ít bị hư hại nhất. Để từ đó có căn cứ phục dựng, tôn tạo những mảng tường đã sụp đổ. Các mảng tường di tích được bổ sung sau này cần phải đảm bảo được các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ. Tránh hiện tượng “khập khiễng” giữa yếu tố gốc và yếu tố bổ sung.

bai viet giai phap ton tao cat tien 1
Kiến trúc số 2C sau quá trình thử nghiệm vật liệu chống rêu, mốc

Các giải pháp tu bổ cần được trao đổi rộng rãi, tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, những nhà khoa học, những người làm công tác quản lý các di sản văn hóa, phối hợp liên ngành giữa các ngành khoa học có liên quan để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất cho di tích.

Việc thực thi bảo tồn, tôn tạo phải do những cơ quan, đơn vị chuyên trong lĩnh vực bảo tồn thực hiện. Bởi họ là những người có chuyên môn, có hiểu biết về nghề nghiệp của mình. Họ có kinh nghiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích khác có cùng tính chất với di tích khảo cổ Cát Tiên.

Quá trình bảo tồn, tôn tạo phục hồi di tích phải dựa trên cơ sở cứ liệu khoa học chính xác (tài liệu khảo cổ học, tài liệu giấy, bản vẽ đạc hoạ, ảnh chụp, các nghiên cứu về chất liệu gạch, chất kết dính…) và phải căn cứ trên những yếu tố gốc còn sót lại. Phần mới phục hồi phải phù hợp và tạo thành một khối thống nhất với phần nguyên gốc còn lại. Do đó, cần phải cố gắng đến mức tối đa sử dụng vật liệu và công nghệ truyền thống vào việc tu bổ, phục hồi di tích. Đối với di tích Cát Tiên việc tận dụng gạch cũ của công trình đã bị đổ xuống để tái định vị và phục hồi những mảng tường kiến trúc đã bị sụp đổ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này đã đáp ứng được yêu cầu bảo tồn di tích. Đặc biệt là phần mới bổ sung trong quá trình tu bổ cũng phải có “dấu hiệu” để phân biệt với bộ phận nguyên gốc của di tích để từ đó có sự so sánh đối chiếu.

bai viet giai phap ton tao cat tien 2
Một góc tường gạch gò 2C sau khi được trùng tu, tôn tạo

Cùng với đó là việc sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Sử dụng chất kết dính là dầu rái và hỗn hợp dầu rái kết hợp với bột hoạt tính và phụ gia không gây hại đến vật liệu của khối xây cổ. Chất kết dính này đã được sử dụng khá thành công cho việc bảo tồn, tôn tạo các đền tháp ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), Gò Tháp (Đồng Tháp).

Cần phải chú ý tăng cường độ bền vững của di tích, đảm bảo các điều kiện cần thiết để di tích có thể tồn tại lâu dài ở dạng nguyên gốc: Từ hình dáng kiến trúc, màu sắc, đường nét trang trí mỹ thuật…

Đối với những phần đã bị sụp đổ có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ trong việc tái định vị lại các yếu tố gốc. 

Thực tế việc bảo tồn, tôn tạo tại di tích khảo cổ Cát Tiên hiện nay đảm bảo các yêu cầu đặt ra: nghiên cứu tư liệu, khảo sát hiện trạng, lập hồ sơ (bản vẽ, thuyết minh) đánh giá về di tích; lập quy hoạch di tích, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của đơn vị quản lý di tích và ý kiến của các nhà khoa học; thẩm định phê duyệt quy hoạch di tích, thi công dưới sự giám sát của các nhà chuyên môn, ghi chép nhật ký công trình… Việc người quản lý và thi công công tác tu bổ di tích làm việc vì khoa học, vừa có tâm cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những thành tố kiến trúc sát với những yếu tố gốc nhất.

Đinh Thị Chung