Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Giới thiệu vài nét về: DI TÍCH KHẢO CỔ CÁT TIÊN

Di tích khảo cổ Cát Tiên là quần thể kiến trúc bằng gạch nằm rải rác trong một bồn địa, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn huyện Cát Tiên – tỉnh Lâm Đồng.

Di tích được phát hiện năm 1985 và trải qua 8 đợt khai quật (từ năm 1994 – 2006) đã làm xuất lộ nhiều phế tích kiến trúc như: đền tháp, mộ tháp, hệ thống máng nước, đường đi cổ… và thu thập trên 1000 hiện vật, đa dạng về chất liệu: vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm…, phong phú về loại hình như: tượng thần Ganesha, thần Uma; ngẫu tượng Linga-Yoni; hạt chuỗi; nhẫn; các lá vàng dập nổi, khắc chìm hình tượng các vị thần Bà la môn giáo và các linh vật… Với quy mô của di tích và số lượng hiện vật thu thập được, các nhà khoa học thống nhất nhận định: di tích khảo cổ Cát Tiên là Thánh địa Bà la môn giáo, có niên đại từ thế kỷ VI đến thế ký X.

Cư dân cổ ở đây chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, có mối quan hệ mật thiết với Văn hóa Óc Eo, Văn hóa Chămpa nhưng vẫn khẳng định tính độc lập của mình.

Di tích Cát Tiên là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở vùng Nam bộ và Tây Nguyên. Di tích Cát Tiên đã được công nhận là di tích quốc gia năm 1997 và di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)